Tác nghiệp mùa dịch

Tác nghiệp mùa dịch

Chúng tôi là những người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, nên mỗi cơ hội được trải nghiệm với nghề báo thật quý giá. Và “tác nghiệp mùa dịch” là những ngày đem lại trải nghiệm thật sự khó quên với những người làm báo trẻ.   

1. Khi chúng tôi liên hệ viết bài tại các bệnh viện, nơi tuyến đầu chống dịch, hầu hết những lãnh đạo bệnh viện đều e dè, lo lắng cho chúng tôi, dù chính họ mới là những người đang ở nơi nguy hiểm nhất. 

Ở Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, nơi đây cử hẳn một bác sĩ và một điều dưỡng để hỗ trợ chúng tôi tác nghiệp. Đến khu vực cách ly, đội ngũ y tế không cho phép chúng tôi vào vì tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu muốn vào, chúng tôi buộc phải biết cách mặc và tháo đồ bảo hộ chuyên nghiệp như nhân viên y tế, mọi người có thể hỗ trợ tôi mặc nhưng tháo đồ chúng tôi phải tự làm và phải tháo đúng, nếu không thì nó cũng chỉ là lớp vải vô dụng không bảo vệ được người mặc. 

Chúng tôi quyết định dừng lại và tác nghiệp ở khu vực cho phép, đảm bảo các quy định an toàn y tế, làm theo hướng dẫn của các y bác sĩ tại chỗ. Vì nếu cứ giả vờ gật đầu với mọi người rằng, mình biết cách mặc và tháo đồ bảo hộ chắc chắn mọi người sẽ tạo điều kiện tối đa để chúng tôi tác nghiệp. Bài viết và hình ảnh là quan trọng với một người làm báo nhưng không thể vì lẽ đó mà bất chấp. Bởi, nếu không may chúng tôi trở thành nguồn lây nhiễm thì đồng nghiệp ở cơ quan, người thân ở nhà sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên và chính chúng tôi - người tác nghiệp ở tuyến đầu chưa kịp hoàn thành bài viết đã trở thành gánh nặng cho đội ngũ y bác sĩ nơi đây. 
Tác nghiệp mùa dịch ảnh 2
Tác nghiệp mùa dịch ảnh 3

Và cũng trong những ngày thực hiện các tuyến bài về dịch bệnh, chúng tôi đã không ít lần xúc động, như khi nghe chị trưởng điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi nói: “Nhiệm vụ của tụi chị là bảo đảm an toàn cho tụi em”. Hay chia sẻ của một du học sinh trở về từ Anh đang ở trong khu cách ly gửi lời cảm ơn đến quê hương, rồi đến tâm sự của các bạn du học sinh không về nước nhưng mỗi ngày đều cập nhật tin tức. Họ tự hào về cách chống dịch ở quê nhà, tin tưởng tất cả chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua. 

Còn nữa, ở các chốt, trạm kiểm dịch liên ngành tại các khu vực cửa ngõ trong thành phố, tác nghiệp xong, chúng tôi ra về khi đêm đã muộn, nhưng các anh vẫn trắng đêm kiểm tra phương tiện vào thành phố, giữ bình yên trong những ngày dịch bệnh hoành hành… Những cảm xúc khó mà viết thành lời, chúng tôi thầm cảm ơn công việc đã cho chúng tôi cái “quyền” được tác nghiệp và ghi nhận lại mọi thứ.

2. “Nguy cơ lây nhiễm có thể đến với bất cứ ai, kể cả bác sĩ. Chúng tôi là người bình thường, cũng sợ bị bệnh và sợ cái chết chứ, chẳng qua mình có kiến thức hơn. Dịch bệnh này quá mới, chưa có vaccine điều trị, cả thế giới đang lao đao…”, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, đã từng sẻ chia như thế, trong ngày chúng tôi đến bệnh viện ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên xuất viện tại Việt Nam. Vào một buổi chiều khác sau này, ngồi đối diện bác sĩ CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, anh chuyển ánh nhìn về phía cánh cửa “phòng bệnh đặc biệt” rồi nói: “Em đang ngồi cách không xa một trong những nơi nguy hiểm nhất đó, nhưng yên tâm, chỗ chúng ta ngồi an toàn tuyệt đối”. 

Trong nỗ lực ghi nhận bao cố gắng của những người đang làm công tác chống dịch nơi tuyến đầu, chúng tôi đã gấp rút tổ chức tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Chợ Rẫy, khu vực cách ly tập trung Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, các chung cư trong tình trạng cách ly, các chốt kiểm dịch như cầu Đồng Nai, quốc lộ 50, Bến xe miền Tây… Chúng tôi từng nói đùa rằng, mấy hôm nay đi các bệnh viện, các chốt kiểm dịch tác nghiệp, gặp các bác sĩ, phỏng vấn bệnh nhân khỏi bệnh đã xuất viện về bị nhiều người “kỳ thị”, không dám lại gần rồi. Nói đùa mà đâu đó cũng là thật, bởi vì ai cũng sợ dịch bệnh, dù chúng tôi cực kỳ tuân thủ các nguyên tắc, quy định đảm bảo an toàn. Thông tin, hình ảnh từ những nơi này thời điểm đó cực kỳ nóng, có giá trị. Nhưng với chúng tôi, nguyên tắc đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn là trên hết.

3. Những lúc va chạm thực tế thế này, chúng tôi lại học hỏi thêm ở đồng nghiệp cùng cơ quan. Đến những “điểm nóng”, trong túi áo khoác, một bên là điện thoại, một bên là nước chai dung dịch sát khuẩn, chúng tôi sử dụng liên tục và lau chùi cả bề mặt ba lô, máy ảnh, ống kính. Anh phóng viên ảnh đồng nghiệp, nhiều kinh nghiệm, còn dặn kỹ: “Lau luôn cuốn sổ tay, cây bút của em, trong này mọi người đã cẩn thận cho mình nhưng mình cũng phải kỹ thêm chút nữa cho an toàn, còn về cơ quan rồi về nhà nữa đó”. Cũng chính anh phóng viên ảnh còn chăm chút cho chúng tôi từ bữa ăn trong hành trình tác nghiệp, anh hóm hỉnh: “Ăn thì mới có sức mà chống Covid”. 

Có một điều đặc biệt trong những ngày tác nghiệp là khi liên lạc và giới thiệu là phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng liên hệ công việc với các đơn vị, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, tạo nhiều điều kiện tác nghiệp. Từ các bệnh viện, khu cách ly, Công an TPHCM, các chốt kiểm dịch, các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch đến mỗi nhân vật trong các bài viết…, họ chia sẻ với chúng tôi, gần gũi, tận tình với nhiều câu chuyện ý nghĩa. Sự uy tín của tờ báo là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm không nhỏ để chúng tôi có thêm thật nhiều động lực cố gắng thực hiện các bài viết trọn vẹn, chuyển tải được thông tin và thông điệp đến bạn đọc. 

Đối với những phóng viên trẻ như chúng tôi, đây thật sự là niềm tự hào được làm nghề, được tạo điều kiện đến những nơi cam go nhất của “cuộc chiến” mà những ngày về sau còn nhiều điều đáng để kể, để nhớ. Và để chúng tôi thấy yêu hơn thành phố mình. Thành phố mà trong dịch bệnh, tinh thần trách nhiệm và nhân văn, nghĩa tình càng rõ ràng và đong đầy hơn bao giờ hết!

Tin cùng chuyên mục