Dầu nhờn thải từ hoạt động giao thông và sản xuất công nghiệp là một trong những chất thải công nghiệp rất độc hại cho môi trường. Trong dầu nhờn thải có rất nhiều tạp chất như chì, kẽm và một số hóa chất độc hại khác, có thể gây ra ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm.
Dầu thải đang đi về đâu?
Đa phần dầu nhờn thải đang được tiêu thụ trôi nổi trên thị trường thông qua một số cơ sở tái chế. Các cơ sở này thu mua dầu nhờn thải với giá rẻ và chuyên chở chúng bằng những phương tiện và trang thiết bị thu gom rất thô sơ, lạc hậu, chủ yếu bằng thùng nhựa, xe đạp, xe máy,... Công nghệ cùng điều kiện tái chế của các cơ sở này phần lớn là lạc hậu, rất không an toàn và ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường. Phần dầu thải không được thu gom thì bị đổ thải trực tiếp ra môi trường, chủ yếu qua hệ thống nước thải công cộng.
Theo các nhà khoa học, cùng với thời gian, dầu nhờn thải sẽ ngấm xuống đất, hòa lẫn vào các mạch nước ngầm và trở nên vô cùng nguy hiểm đối với đời sống của con người. Đáng lo ngại hơn nữa, ở nhiều nơi nông dân còn dùng dầu nhờn thải để tưới cho các loại cây rau trở nên xanh, đẹp, và không bị sâu bệnh. Đây là hành động rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng vì khoảng cách tiếp cận của dầu nhờn thải với con người giờ đây đã trực tiếp hơn. Các chất độc hại từ dầu nhờn thải không còn qua quá trình thẩm thấu vào lòng đất nữa mà tồn tại trực tiếp trên thực phẩm tươi sống. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi con người ăn phải những thực phẩm này vì trong dầu thải có chứa nhiều kim loại nặng như kẽm, chì. Chì có khả năng gây độc cho hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại biên, gây rối loạn tạo huyết của người tiếp xúc trực tiếp và khả năng dẫn đến gây ung thư là rất lớn.
Ngoài lượng dầu nhờn thải bị thải trực tiếp vào môi trường, hiện nay cũng có rất nhiều cơ sở đang thu gom và tái chế dầu nhờn thải để sản xuất các loại mỡ bôi trơn chất lượng thấp, dầu chạy máy rẻ tiền, hoặc sơn phết trực tiếp lên các bề mặt gỗ để chống mối mọt. Trong quá trình tái chế, các cơ sở này đã làm không ít dầu nhờn thải rơi vãi và ngấm sâu xuống đất ngay tại chỗ với phương pháp chế biến thô sơ, chủ yếu là nấu và đốt. Các cơ sở này cũng đã tạo ra không ít lượng khí thải, khói độc, và các chất thải phát sinh ra từ quá trình chế biến, tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu. Các chất thải phát sinh này thậm chí còn độc hại hơn dầu nhờn thải. Có cơ sở có thể thu gom và tái chế hàng chục ngàn lít dầu nhờn thải mỗi ngày, chứng tỏ lượng dầu nhờn thải hiện nay rất lớn. Đó là mối đe dọa của môi trường và cũng là sự lãng phí trầm trọng. Nếu tái sử dụng được lượng dầu thải này không chỉ giải quyết được vấn đề môi trường mà còn mang lại một lợi ích kinh tế to lớn.
Xử lý dầu nhờn thải với công nghệ tiên tiến
Hiện nay trên thế giới áp dụng các xu hướng công nghệ sản xuất dầu gốc gồm:
Công nghệ nguyên liệu chưng cất khí quyển từ cặn nhà máy lọc dầu với công nghệ truyền thống là chưng cất chân không, chiết suất bằng dung môi, tách farafin, làm sạch bằng hydro, công nghệ này chỉ cho phép sản xuất ra các loại dầu gốc nhóm I có chất lượng trung bình, hàm lượng tạp chất cao không đáp ứng nhu cầu tính năng bôi trơn của thị trường trong xu thế tương lai.
Công nghệ nguyên liệu chưng cất khí quyển từ cặn nhà máy lọc dầu với công nghệ chưng cất chân không hydro - cacking. Hydro - cacking và hydro - isomerization. Công nghệ hiện đại này cho phép sản xuất dầu gốc sạch, nhóm II, III đáp ứng xu hướng nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng cao.
Công nghệ nguyên liệu Paraffin từ dầu mỏ, khí êtylen tổng hợp, sản xuất dầu gốc tổng hợp sạch và siêu sạch Poly Alpha Olenfin (PAO).
Công nghệ sản xuất dầu gốc từ nguyên liệu từ dầu thải. Đây là công nghệ tiên tiến đang áp dụng tại Mỹ gồm các bước cơ bản sau:
Bước đầu tiên của quy trình lọc là phân tích và lựa chọn nguyên liệu. Quy trình lọc liên quan đến việc đánh giá nguyên liệu đảm bảo phù hợp để lọc lại hay không.
Bước thứ hai của quy trình lọc là xử lý hóa học để giảm đóng cặn ở các thiết bị thực hiện.
Bước thứ ba là loại bỏ nước và các hydro-carbon nhẹ như nhiên liệu (xăng, dầu) lẫn trong dầu đã qua sử dụng. Các phụ phẩm này có thể được bán như là chất đốt, có nghĩa là sản phẩm của bước thứ ba không phải là chất thải.
Bước thứ tư là loại bỏ các chất ức chế xúc tác trước khi dùng hydro tách tạp chất dầu.
Bước thứ năm là tách dầu nguyên ra khỏi chất xúc tác và hydro-carbon sôi ở nhiệt độ cao. Một máy màng lọc tinh chân không sẽ thu lại sản phẩm phân tách này. Trạng thái chân không cho phép tách rời ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cracking dầu. Ở trạng thái nhiệt độ thấp hơn và thời gian lưu lại ngắn hơn trong máy màng lọc tinh chân không giúp giảm thiểu tối đa mảng bám sinh ra so với ở các thiết bị chưng cất khác.
Bước thứ sáu Hydro-treating là khi dầu nguyên đã được tách ra khỏi những tạp chất khác, lượng Sulfur sẽ được giảm đi trong ba lò phản ứng tách tạp chất bằng hydro đến thấp hơn 300 phần triệu và tăng bảo hòa nước lên hơn 90%, đáp ứng thông số kỹ thuật của dầu gốc API nhóm II.
Bước cuối cùng là chưng cất chân không để tách dầu nguyên đã lọc vào các chủng loại độ nhớt trong tháp tách chiết.
Như vậy, vấn đề hiện nay là Việt Nam nói chung và TPHCM phải nhanh chóng lựa chọn các công nghệ xử lý dầu nhờn thải tiên tiến để triển khai áp dụng. Lượng phương tiện giao thông đang ngày một tăng nhanh, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đang phát triển… số lượng dầu nhờn thải từ các hoạt động này chắc chắn cũng tăng theo tỷ lệ thuận… Thực tế đang đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có kế hoạch hành động ngay.
Sơn Lam