Tái chế giấy để bảo vệ môi trường

Tuần qua, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam đã tổ chức chuỗi hội thảo quốc tế “Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng” tại cả Hà Nội và TPHCM… với thông điệp “Tái chế giấy để bảo vệ môi trường!”.

Tại hội thảo, tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, cho biết nhu cầu giấy nước ta mỗi năm cần hơn 1,8 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước là 1,13 triệu tấn, với 70% nguồn nguyên liệu là giấy đã qua sử dụng (chủ yếu nhập khẩu).

Còn theo nghiên cứu của bà Trần Thị Mỹ Diệu, Đại học Văn Lang (TPHCM), sản xuất một tấn bột giấy cần đến 5m³ gỗ, tương đương với 17 cây xanh và 100m³ nước. Mỗi năm ngành giấy nước ta cần gần 1,7 triệu m³ gỗ, tương đương với 5,76 triệu cây xanh và 33,9 triệu m³ nước. Như vậy, song song với việc trồng rừng thì việc tái chế giấy cũ sẽ góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, từ năm 2004, Tập đoàn Tetra Pak (chuyên sản xuất vỏ hộp giấy) đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho học sinh về bảo vệ môi trường, phát động các chương trình thu gom “Đổi vỏ hộp sữa lấy sữa” để tái chế vỏ hộp tại Nhà máy Giấy Thuận An, Bình Dương. Nhiều năm qua, Tetra Pak Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tái chế các vỏ hộp giấy nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Hiện 70% nguyên liệu ngành sản xuất giấy nước ta là giấy đã qua sử dụng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, gồm giấy thùng các tông, báo cũ, giấy lề... với chất lượng cao, ít vướng mắc thủ tục, chất lượng và số lượng ổn định, giá hợp lý… Trong khi đó, tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng Việt Nam rất thấp, chỉ 25% (Thái Lan là 65%, Trung Quốc là 31%; Hàn Quốc 67%...).

Hơn nữa, công tác thu gom giấy phụ thuộc nhiều vào người nhặt rác (ve chai), phân loại từ các bãi thu gom rác, hoàn toàn tự phát, thiếu hiệu quả và chất lượng giấy không cao, khó nhận được niềm tin của doanh nghiệp.

Ông Tushar Shar, Giám đốc Nhà máy Giấy Daman Ganda (Ấn Độ) cho rằng, năm 2008 cả thế giới sử dụng tới 223 tỷ bao bì giấy, nhưng chỉ khoảng 42 tỷ được tái chế. Đây cũng là cơ hội của ngành tái chế giấy, với nguồn nguyên liệu rất lớn từ giấy thải loại nói trên. Xét cấu tạo của một vỏ hộp giấy, có 5% là nhôm, 20% ni lông và 75% giấy.

Giấy thu hồi đi qua các khâu: đánh tơi – sàng thô – lọc – tẩy trắng – lọc tinh – khử mực – khử màu – rửa trước khi trở thành bột giấy tái chế. Tại nhà máy Daman Ganda, nhờ sử dụng công nghệ ép nhiệt, vỏ hộp đã được ép thành các tấm lợp có độ bền cao, đẹp mắt, có thể làm bàn ghế, tủ, giường và giàn giáo xây dựng…

Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo cho rằng, tái chế giấy ở nước ta chưa có định hướng, quy hoạch phát triển ngành giấy không có nội dung thu gom và tái chế giấy loại. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải xác định giấy đã qua sử dụng phải là nguyên liệu chính; cần ban hành văn bản pháp quy khuyến khích thu gom và tái chế giấy, đưa tái chế giấy trở thành chương trình quốc gia để góp phần bảo vệ rừng, giảm khí nhà kính và ngăn sự ấm lên của trái đất.

KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục