Đầu 2010, Tập đoàn công nghệ HP đã hợp tác với Tập đoàn Lavergne của Canada (chuyên về tái chế nhựa) xây dựng nhà máy sản xuất hạt nhựa tái chế tại Việt Nam với hy vọng tận dụng hạt nhựa phế thải tại chỗ. Tuy vậy, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động chính thức, Lavergne vẫn phải nhập nguyên liệu từ Canada bởi hạt nhựa của các doanh nghiệp nội chưa đủ tiêu chuẩn.
Nhiều ý nghĩa
Từ 2005, HP đã hợp tác với Lavergne triển khai dự án “Tái chế hộp mực in khép kín”. Nhiệm vụ của Lavergne là sản xuất hạt nhựa phế thải cho các nhà máy sản xuất hộp mực in của HP trên khắp thế giới. Nhà máy Lavergne sẽ thu gom vỏ hộp mực in phế thải HP và nhựa pet (vỏ chai nhựa), làm sạch (xử lý tạp chất và chất độc hại) rồi trộn lẫn với phụ gia, nung chảy và cắt thành hạt nhựa. Hạt nhựa tái chế sẽ được kiểm tra chất lượng (độ cứng, độ dẻo…) trong phòng thí nghiệm rồi đóng gói, chuyển các nhà máy của HP ở Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… để sản xuất hộp mực thành phẩm.
Nói về ý nghĩa của dự án, đại diện HP, ông Dean Miller cho rằng, ngoài việc xử lý được đáng kể chất thải nguy hại có trong hộp mực in, chai pet, dự án còn góp phần đáng kể vào việc giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Theo tính toán của Four Elements Consulting, đơn vị quốc tế chuyên đánh giá lượng khí nhà kính, giải pháp quản lý môi trường, lượng CO trong hộp mực in tái chế thấp hơn 33% so với hộp mực mới, tiết kiệm 62% nhiên liệu so với sản xuất mới. Đặc biệt, khi đặt nhà máy tái chế tại Việt Nam, đường vận chuyển hạt nhựa tới các nhà máy HP tại châu Á sẽ ngắn hơn, tiết kiệm nhiên liệu, ước tính giảm tới 6% khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính so với sản xuất tại Canada…
Trong 6 năm, HP và Lavergne đã thu gom và tái chế trên 1,3 tỷ chai nhựa và 210 triệu hộp mực in phế thải, cho ra 1 tỷ hộp mực in, giữ cho 340 xe container chứa đầy nhựa phế thải không bị bỏ phí ngoài bãi rác.
Thiếu nguyên liệu
Việt Nam có rất nhiều ưu điểm: gần các nhà máy sản xuất hộp mực in của HP ở châu Á, nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân lực giá rẻ, chất lượng ngày càng cao... Tuy vậy, sau 2 tháng hoạt động, nhà máy APEC của Lavergne tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam (công suất 700kg/giờ) vẫn phải nhập nguyên liệu từ Canada. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Ninh, Giám đốc sản xuất và bảo trì nhà máy, cho biết, Lavergne đã và đang tính tới mở rộng sản xuất nhưng một số doanh nghiệp lại không thể đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu: Đảm bảo hạt nhựa pet không lẫn nhựa PVC (thường dùng làm da giả, ống nước...). Điều này cho thấy DN Việt Nam chưa chuyên nghiệp trong công tác phân loại nhựa. Ông Nguyễn Hữu Ninh tiếc nuối: “Lavergne sản xuất ra không đủ bán, nên cần nhiều hạt nhựa pet tái chế lắm. Chỉ riêng HP, Lavergne mới chỉ cung cấp một phần nhựa sản xuất hộp mực. Họ còn có nhu cầu hạt nhựa làm hàng chục triệu vỏ máy in, máy tính, laptop... mỗi năm. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất điện máy, điện tử, ô tô... trên thế giới đang rất cần nguồn hạt nhựa tái chế”.
Lúc này, APEC vẫn đang chờ sự đảm bảo chất lượng nhựa pet từ các nhà cung cấp Việt Nam.
|
KIÊN GIANG