Tái chế phế liệu - Lợi nhuận có thể hàng tỷ đồng

Tái chế phế liệu - Lợi nhuận có thể hàng tỷ đồng

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đang xây dựng kế hoạch sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động tái chế trên địa bàn thành phố. Đây có thể nói là hoạt động hết sức tích cực bởi tái chế phế liệu không những giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn có thể thu những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Nhận định trên được xác lập trên cơ sở kinh nghiệm của rất nhiều nước trên thế giới. Một báo cáo mới đây của Viện Công nghệ tái chế phế liệu (ISRI) Mỹ cho thấy, ngay trong thời buổi khủng hoảng này, tại nước Mỹ ngành công nghiệp tái chế giúp giải quyết 460.000 việc làm và mang về một khoản thu trị giá 90 tỷ USD. Và ngành công nghiệp tái chế còn được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của nước Mỹ vì nó không những giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp nước Mỹ sử dụng hợp lý hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tạo việc làm cho rất nhiều người. 

Bốc đỡ thép phế liệu đưa vào Nhà máy thép Phú Mỹ. Ảnh: THANH TÂM

Bốc đỡ thép phế liệu đưa vào Nhà máy thép Phú Mỹ. Ảnh: THANH TÂM

Trung Quốc, đất nước ở ngay sát Việt Nam có ngành công nghiệp tái chế cực kỳ mạnh. Theo một cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường, Trung Quốc nhập về và tái chế đến khoảng 50% phế liệu của thế giới, kiếm hàng trăm tỷ USD mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng vạn người. 

Để có thể kiếm được những khoản tiền khổng lồ như vậy, tất nhiên công nghệ tái chế của các nước này phải rất cao. Đó là những nhà máy tái chế hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường chứ không phải là những cơ sở tái chế nhỏ lẻ như ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Thực ra, nhiều ngành ở Việt Nam vẫn nhập phế liệu về tái chế để làm nguyên liệu cho mình như ngành thép, ngành giấy… Ở khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng Sài Gòn xây dựng riêng một cảng chuyên dụng… nhập sắt, thép phế liệu để phục vụ cho những khách hàng này. Tuy nhiên, những nhà máy tái chế hiện đại như vậy chưa nhiều và mới tập trung vào một số loại phế liệu. 

Cách nay 5 năm, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM có làm một nghiên cứu về hoạt động tái chế ở TPHCM. Theo Quỹ Tái chế, hiện nay một số số liệu trong nghiên cứu này có thể không còn tính thời sự nhưng những nhận định về hoạt động tái chế vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm tái chế có chất lượng không cao. 

Chính vì vậy, quyết định của Sở Tài nguyên - Môi trường trong bối cảnh này là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm, sự đồng tình ủng hộ của các sở ngành liên quan vì việc sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động tái chế liên quan đến rất nhiều cơ quan. Chỉ những đơn vị tái chế đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng sản phẩm tái chế cao mới được phép tồn tại và phát triển. Việc sắp xếp lại các cơ sở tái chế có thể đụng chạm đến cuộc sống của nhiều người lao động hiện hữu trong các cơ sở này. Thế nhưng, các nguồn tài nguyên trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng đang dần cạn kiệt. Do đó, tái chế và xây dựng một xã hội tuần hoàn vật chất là điều nên làm và phải làm ngay, làm quyết liệt. Chưa kể, nó còn có khả năng đem lại hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận và có thể giúp giải quyết việc làm cho ngay những công nhân đang lao động tại các cơ sở tái chế hiện nay và nhiều hơn nữa. 

Tất nhiên, muốn làm được như vậy, theo Tiến sĩ Lê Văn Khoa, giảng viên Trường Đại học Bách khoa, nguyên Giám đốc Quỹ Tái chế TPHCM, trước tiên Việt Nam phải xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc cho việc nhập khẩu và tái chế phế liệu. Tại TPHCM, nếu muốn có cơ sở sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động tái chế phải xây dựng được các quy chế về tái chế đảm bảo vệ sinh môi trường, tái chế như thế nào để mang lại lợi ích kinh tế cao. Chỉ khi nào Việt Nam có hành lang chuẩn cho vấn đề này thì hoạt động tái chế mới mang lại nhiều nguồn lợi cho đất nước.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục