Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Stara) là 1 trong 17 doanh nghiệp (DN) nhà nước chủ lực của TPHCM, với khoảng 60 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chế biến và thương mại, dịch vụ.
Chế biến bún bò Huế ăn liền tại Công ty Cầu Tre. Ảnh: CAO THĂNG ​
Chế biến bún bò Huế ăn liền tại Công ty Cầu Tre. Ảnh: CAO THĂNG ​

Năm 2017, doanh thu toàn hệ thống Satra ước đạt 63.092 tỷ đồng, đạt 103,17% kế hoạch, tăng 12,69% so cùng kỳ, lợi nhuận ước 12.456 tỷ đồng, đạt 103,81% kế hoạch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Satra năm 2018 là tiếp tục rà soát và sắp xếp lại bộ máy, nhân sự gắn với thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, tạo sự ổn định chung về hàng hóa và giá cả tại TPHCM

Phát triển mới 57 cửa hàng

Theo ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng giám đốc Satra, năm 2017 Satra đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhà xưởng, máy móc thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm, nông thủy hải sản, kho hàng hóa. Mặt khác, Satra tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị Satramart, cửa hàng tiện lợi Satrafoods nhà hàng, chợ đầu mối…

Các công trình trọng điểm đã triển khai như khởi công xây dựng Trung tâm thương mại Central Mall tại xã Trung An, huyện Củ Chi; tiếp tục xây dựng và mở rộng dự án Khu thương mại Bình Điền; thành lập và thẩm tra dự án Satra - Tax Plaxa; dự án di dời và đổi mới công nghệ Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan; thành lập đơn vị chuyên trách mảng thương mại điện tử và bán hàng online; khai trương thêm 57 cửa hàng Satrafoods, gồm 47 cửa hàng tại TPHCM và 10 cửa hàng tại TP Cần Thơ, nâng tổng số lên 157 cửa hàng; phát triển chuỗi 13 cửa hàng và nhà hàng chuyên về ẩm thực… Chuỗi hệ thống siêu thị Satramart và các cửa hàng tiện lợi ngày càng khẳng định vị thế của Satra trong lĩnh vực bán lẻ.

Satra và các DN thành viên đã chủ động hợp tác để hình thành mối liên kết chặt chẽ trong quản trị và sử dụng hiệu quả sản phẩm của nhau. Liên kết hợp tác ngoài hệ thống Satra với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng được chú trọng. Qua đó đã khai thác lợi thế về tiềm năng, thế mạnh phục vụ cho nhu cầu sản xuất chế biến - kinh doanh - xuất khẩu của Satra và góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương; đưa thương hiệu, hình ảnh, quy mô gắn liền với các thương hiệu nổi tiếng của Satra và các DN thành viên như Vissan, Cầu Tre, chợ đầu mối Bình Điền… đến với DN và người tiêu dùng tại các địa phương khác.

Cùng với mảng kinh doanh nội địa, Satra là một trong những DN có thế mạnh xuất khẩu nhóm mặt hàng nông sản, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, gạo và mỡ cá. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Satra là châu Âu, Mỹ, châu Á.

Thực hiện cổ phần hóa

Trong năm 2018, Satra tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất một cách bền vững trên các phương diện tài chính, công nghệ, nhân lực và quản trị nhằm tăng năng suất lao động; qua đó, tăng khả năng cạnh tranh. Satra cũng chú trọng thị trường nội địa thông qua việc mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ, song song với việc đảm bảo hiệu quả quản trị và kiểm soát. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu và có các biện pháp hợp lý nhằm ứng phó với các động thái phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Tiếp tục triển khai 3 công trình và 4 chương trình trọng điểm của tổng công ty.

Cụ thể, Satra phấn đấu đạt doanh thu tăng trưởng từ 8,5% - 10% so với năm 2017; trong đó, công ty mẹ phấn đấu hoàn thành kế hoạch 11.120 tỷ đồng, lợi nhuận 2.948 tỷ đồng. Tập trung phát triển các ngành nghề chính như sản xuất hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; hàng nông sản xuất khẩu. Trong lĩnh vực bán lẻ, Satra dự kiến phát triển thêm 60 cửa hàng Satrafoods, tăng cường hợp tác với 35 tỉnh, thành để phát triển mạng lưới phân phối và tạo vùng nguyên liệu bền vững để cung ứng cho chuỗi cửa hàng Satrafoods và xuất khẩu

Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, Satra thực hiện việc rà soát và sắp xếp lại bộ máy, nhân sự tổng công ty, triển khai lộ trình thoái vốn cụ thể, nâng cao năng lực quản trị DN và tiến hành các bước để cổ phần hóa công ty mẹ theo đúng quy định, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần hoàn thành. Triển khai các giải pháp đào tạo và luân chuyển nhân sự để nâng cao năng lực quản trị đối với các cấp quản lý tại các đơn vị, xây dựng phương án lao động và chuẩn bị nguồn nhân lực kế thừa cho những năm tiếp theo khi tổng công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần.

Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyên môn về bán lẻ, phân phối, kinh doanh gạo, xăng, dầu và thực phẩm chế biến. Thành lập Trung tâm Điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ để phát triển mạng lưới bán lẻ tại địa phương. Thành lập Ban An toàn thực phẩm, Ban Quản lý hệ thống bán lẻ và Ban Đầu tư hệ thống bán lẻ tổng công ty để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống bán lẻ. Thành lập Phòng Phát triển sản phẩm Satra để liên kết kinh doanh xây dựng vùng nguyên liệu gạo organic, từng bước phát triển thêm các vùng nguyên liệu nông sản (rau quả), thủy hải sản, gia súc gia cầm để cung ứng cho hệ thống bán lẻ của Satra, nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Về tái cấu trúc danh mục đầu tư tài chính, sẽ bố trí nguồn vốn vào các mục tiêu quan trọng của Satra như phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển dự án, liên kết tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ quản lý điều hành để tinh giản bộ máy và kiểm soát tốt chất lượng dịch vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý nguồn vốn một cách chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn và phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong sản xuất kinh doanh.

Theo ông Trần Văn Bắc, 2018 được xác định là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Satra, năm bản lề thực hiện kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và cũng là năm thực hiện cổ phần hóa; do vậy, nhiệm vụ đề ra sẽ khó khăn và nhiều thách thức hơn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể tổng công ty sẽ phấn đấu đạt được thành tích cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Tính đến thời điểm ngày 31-12-2017, danh mục đầu tư của Satra là 44 DN, với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách 2.152 tỷ đồng, bao gồm 38 công ty cổ phần và 6 công ty TNHH. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 63 người đại diện, trong đó có 36 người chuyên trách nắm giữ các chức vụ quản lý tại DN (chiếm tỷ lệ 57%).
Năm 2017, Satra đã thoái vốn tại 6 đơn vị, thu hồi vốn tại 2 đơn vị và giải thể 1 đơn vị, cụ thể: Công ty cổ phần XNK hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất TPHCM, Công ty cổ phần Bao bì Sài Gòn, Công ty cổ phần Nhà hàng Ngọc Lan Đình, Công ty cổ phần Chế biến hàng XK Cầu Tre (bán bớt một phần vốn theo kế hoạch), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt, Công ty CP Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (hoàn lại vốn góp), Quỹ Đầu tư Việt Nam (hoàn trả một phần vốn) và giải thể Công ty Liên doanh Satra Sokimex.

Tin cùng chuyên mục