Tại cuộc tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” mới đây tại Hà Nội, vấn đề chia tách VNPT và tương lai nào cho mạng di động MobiFone đã trở thành tâm điểm của các ý kiến thảo luận.
Không quản lý cùng lúc 2 mạng di động
Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) Phạm Hồng Hải cho biết, theo Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông đã được Bộ TT-TT trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động. Tổng công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên.
Trả lời câu hỏi, tại sao VNPT lại lựa chọn tách mạng di động MobiFone, mà không phải là VinaPhone, Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cho hay, từ tháng 5-2012, Tập đoàn VNPT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu tập đoàn, trong đó quan điểm của VNPT là không quản lý cùng lúc 2 mạng di động.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải cho biết, phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT trong nội dung đề án tái cơ cấu của Tập đoàn VNPT đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất, hiện MobiFone đang có một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong Tập đoàn VNPT, khi tách ra sẽ giúp cho chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ nhanh chóng hơn. Thứ hai, phương án tách MobiFone và một số giải pháp liên quan vẫn đảm bảo Tập đoàn VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh, tiếp tục phát triển trong thời gian tới, còn MobiFone vẫn có nhiều điều kiện phát triển, hình thành một doanh nghiệp năng động hơn.
Sẽ triển khai đa dạng dịch vụ hơn
Tiến sĩ Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, nay là Bộ TT-TT) cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam hiện đã rất cạnh tranh nếu nhìn từ ngoài vào. Tuy nhiên, thực tế chưa đảm bảo sự cạnh tranh tự do và lành mạnh, bởi 3 doanh nghiệp di động lớn hiện nay là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều 100% thuộc Nhà nước. Theo ông Mai Liêm Trực, về nguyên tắc không nên tổ chức nhiều đơn vị cạnh tranh trong 1 chủ sở hữu, cần có sự chia tách, đảm bảo ít nhất 30% thị phần thuộc chủ sở hữu khác, như vậy sẽ đảm bảo yếu tố lành mạnh, bình đẳng hơn. Nếu có doanh nghiệp không phải của Nhà nước tham gia vào thị trường này với thị phần tương đối, thì rõ ràng trong hoạt động kinh doanh sẽ hiệu quả hơn.
Vì vậy, ông Mai Liêm Trực cho rằng, hiện nay thị trường viễn thông Việt Nam đã có cạnh tranh, nhưng chưa hoàn chỉnh. Chỉ cần 1, 2 doanh nghiệp nhà nước, số còn lại là cổ phần hoặc tư nhân thì cạnh tranh lành mạnh hơn. Nếu tách MobiFone thì VNPT chắc chắn sẽ khó khăn. Tuy nhiên, VNPT có phương án tái cấu trúc về sản phẩm, quản trị kinh doanh. Nếu quản trị tốt, thì chỉ sau 1, 2 năm, VNPT sẽ phát triển, bởi nguồn lực và lợi thế của VNPT cũng như VinaPhone hiện nay vẫn còn khá mạnh. Việc cổ phần hóa MobiFone đáng ra phải được thực hiện từ 7, 8 năm trước, chứ không phải chờ đến bây giờ mới tính đến chuyện tách khỏi VNPT.
Còn Chủ tịch MobiFone Lê Ngọc Minh khẳng định, nếu đề án nói trên được Thủ tướng phê duyệt, MobiFone sẽ là một doanh nghiệp độc lập và sẽ triển khai đa dịch vụ hơn ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Về việc cổ phần hóa MobiFone đã được xúc tiến từ năm 2005, song đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được.
Ông Lê Ngọc Minh cho rằng, khi đề án được thông qua, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này sẽ được đẩy mạnh theo hướng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT-TT. Chủ trương cổ phần hóa MobiFone là hoàn toàn đúng. Điều này sẽ tạo thay đổi về công nghệ, quản trị doanh nghiệp tốt hơn và tầm nhìn xa là tạo ra thị trường cạnh tranh
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, ngành viễn thông Việt Nam hiện đang ở thời khắc cực kỳ quan trọng. Việc tái cơ cấu thị trường và doanh nghiệp viễn thông không chỉ bắt buộc mà còn là sự sống còn đối với phát triển đất nước về dài hạn. Ngay như Viettel hiện đang rất mạnh, nhưng nếu không tái cấu trúc thì cũng sẽ đi xuống trước nhu cầu, làn sóng công nghệ và hội nhập. Vì vậy, quá trình tái cấu trúc của VNPT phải đảm bảo cả 3 yếu tố: tài chính, tổ chức và chiến lược phát triển mới. Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, MobiFone cần cổ phần hóa để tìm được các nhà đầu tư chiến lược tốt, gây áp lực cạnh tranh đến các doanh nghiệp viễn thông còn lại. |
Trần Lưu