Phim tiểu sử

Tái hiện nguyên mẫu hay sáng tạo?

Tái hiện nguyên mẫu hay sáng tạo?

Mùa Oscar ngày càng gần kề, như mọi năm, phim tiểu sử (dựa theo cuộc đời những nhân vật nổi tiếng) lại lên ngôi. Câu hỏi đặt ra với Hollywood trong vài năm gần đây lại dấy lên: Bắt chước thật giống và sáng tạo hình ảnh, điều nào sẽ tốt hơn?

Tái hiện nguyên mẫu hay sáng tạo? ảnh 1

Kirsten Dunst (phải) và Jason Schwartzman trong phim “Marie Antoinette”.

Ngày xưa, sự lựa chọn thường dễ dàng hơn: các ngôi sao điện ảnh được khán giả mong chờ sẽ làm rạng ngời nhân vật họ đóng. Henry Fonda là một trong những kép chính đẹp trai nhất của hãng Century Fox nhưng lại đóng vai vị tổng thống có lẽ xấu trai nhất nước Mỹ trong bộ phim Ngài Lincoln trẻ tuổi của đạo diễn John Ford, hay hàng loạt những nhân vật nổi tiếng xấu trai khác.

Đến phim Thời khắc, nàng diễn viên xinh đẹp Nicole Kidman đã hóa trang thành nữ nhà văn Virginia Woolf với chiếc mũi gãy trông kỳ lạ khác thường; vai này đem đến cho cô giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2002.

Một năm sau đó, cựu người mẫu Nam Phi Charlize Theron tiếp tục nhận giải Oscar vì hóa thân xuất sắc vào vai cô gái điếm giết người hàng loạt Aileen Wuornos trong phim Quái vật – nhờ sự trợ giúp của hàm răng hô giả xấu xí, cái cằm nhân tạo bè ra và làn da nhợt nhạt.

Bắt chước thật giống nhân vật nguyên mẫu trở thành lựa chọn hàng đầu suốt vài năm cho đến cuối năm 2005, khi Philip Seymour Hoffman đoạt giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất dù anh chẳng phải là một diễn viên đẹp trai mà cũng chả có nét gì giống với nhà văn Truman Capote. Tương tự, David Strathairn vào vai nhà báo Edward R. Murrow trong phim Chúc ngủ ngon và chúc may mắn; Joaquin Phoenix vào vai Johnny Cash và Reese Witherspoon vào vai June Carter Cash trong phim Walk the line...

Mùa thu năm nay, đề tài này lại dấy lên khi hàng loạt phim tiểu sử về những nhân vật có thật như hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, vua Scotland Idi Amin, nhiếp ảnh Diane Arbus, ngôi sao truyền hình George Reeves, nhà văn Truman Capote... ra mắt. Làn sóng phim tiểu sử này kéo theo sự hình thành đa dạng về phong cách: một số phim chọn cách tái hiện thật giống nguyên mẫu, một số khác chọn phong cách sáng tạo, và một số còn lại kết hợp cả hai…

Chẳng hạn trong phim Infamous (Khét tiếng) của đạo diễn Douglas McGrath, nam diễn viên người Anh nổi tiếng Toby Jones sẽ vào vai Capote. Tuy chịu áp lực lớn sau thành công vang dội của Phillip Seymour Hoffman cũng với vai này trong phim Capote hồi năm ngoái, Jones có lợi thế ngoại hình khá giống Capote thật. Jones hiểu rằng chính giọng nói của Capote đã tạo nên bản sắc và tính cách rất riêng của con người này nên dành một tiếng rưỡi mỗi ngày để luyện bằng được giọng nói nhẹ nhàng như của Capote.

Nam diễn viên tóc vàng Daniel Craig cũng phải rũ bỏ nét phong trần của điệp viên 007 James Bond để vào vai kẻ giết người Perry Smith, với sự hóa trang từ màu tóc tới màu mắt cho thật giống nguyên mẫu. Trong khi đó, vai nhà văn Harper Lee được đạo diễn McGrath trao cho Sandra Bullock, với nhiều sự tự do sáng tạo cho vai diễn. Sandra Bullock không cần phải có ngoại hình giống, không cần có giọng nói giống, chỉ cần có được một tinh thần, một tâm trạng giống nhân vật mà cô thể hiện.

Để đóng vai tên độc tài Uganda Idi Amin trong phim Vị vua cuối cùng của Scotland, Forest Whitaker phải đến sống ở châu Phi nhiều tháng để học tiếng thổ ngữ; xem phim tài liệu về Idi Amin hàng trăm lần; đến thăm anh chị em, đồng minh và cả người tình của Amin để hiểu rõ hơn về con người này.

Trái hẳn với sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tái hiện chân thật nhân vật của Forest Whitaker, nữ đạo diễn Sofia Coppola không đòi hỏi các diễn viên của mình phải thể hiện thật giống nguyên mẫu nhân vật trong phim Marie Antoinette. Mặc dù có những bức vẽ hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette nhưng Sofia vẫn chọn Kirsten Dunst vì lý do “Kirsten Dunst duyên dáng, cá tính, nổi tiếng và có nét mặt của người Áo”.

Sofia còn chọn em họ của bà là Jason Schwartzman vào vai vua Louis XVI, bất chấp sự phàn nàn của nhiều nhà báo Pháp rằng Jason đẹp trai và ốm so với vua Louis XVI, một người nổi tiếng là mập!

Bộ phim Dirty Tricks (Những trò bẩn), một phim dựng lại từ vở kịch của John Jeter nói về những người phụ nữ trong vụ scandal chính trị Watergate, dự định sẽ mời Annette Bening vào vai phóng viên Nhà trắng Helen Thomas. Người ta đoán rằng Bening sẽ phải đeo bộ phận giả lên người để trông giống bà Thomas, làm việc cật lực với các huấn luyện viên đặc biệt để giảm chiều cao 1,75m của mình xuống còn 1,6m như bà Thomas (!).

Cho đến nay, có thể vì không hề có khuôn mẫu để chọn lựa diễn viên thể hiện nhân vật có thật nên dòng phim về tiểu sử vẫn cứ là đề tài “hot” nhất tại các mùa giải Oscar, năm nay và cả những năm sau.

PHAN DIÊN ANH (California)
(Theo Playing a historical figure, you can copy or conquer của Ed Leibowitz đăng trên New York Times)

Tin cùng chuyên mục