
Hôm qua 23-4, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã ra thông báo về việc không cấp phép khai thác nước ngầm đối với doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là thông báo quá đột ngột, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước (ảnh), Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM để tìm hiểu nguyên nhân.
- Phóng viên: Ông có thể cho biết tại sao lại cấm khai thác nước ngầm đối với doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Lê Minh Xuân?
Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Việc không cấp phép khai thác nước ngầm đối với doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Lê Minh Xuân nằm trong chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm của thành phố. Có thể nói, trong những năm qua, mặc dù thành phố tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất nhưng tình hình khai thác vẫn còn phức tạp, rất nhiều đơn vị khai thác nước dưới đất không đúng quy định và không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ nguồn nước. Hiện nguồn nước ngầm của thành phố đang bị khai thác sử dụng lãng phí, chất lượng và trữ lượng suy giảm nghiêm trọng, có nguy cơ xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn và sụt lún mặt đất làm mất ổn định các công trình xây dựng. Tình hình trên đòi hỏi phải cấp bách có các giải pháp quản lý hợp lý để bảo vệ nguồn nước và đảm bảo khai thác bền vững
- Liệu việc cấm khai thác nước ngầm theo thông báo của sở ngày hôm qua liệu có quá đột ngột đối với doanh nghiệp?
Hoàn toàn không đột ngột. Bởi lẽ, từ tháng 2-2007, sở đã có công văn gửi cho tất cả các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng KCX-KCN khuyến cáo về việc sẽ không tiếp tục cấp phép khai thác nước ngầm cho các doanh nghiệp. Trong nội dung văn bản cũng yêu cầu, đối với các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng KCX-KCN, đến cuối tháng 6-2007 phải hoàn tất việc cung cấp đủ nước cho các doanh nghiệp trong KCN-KCX để hạn chế khai thác nước dưới đất riêng lẻ.
Về phía các doanh nghiệp có khai thác nước dưới đất phải hoàn thành việc chuyển đổi nguồn nước sử dụng. Đến hết thời hạn cuối tháng 6-2007, sở sẽ không tiếp tục gia hạn cấp phép hoặc cấp phép mới khai thác nước cho doanh nghiệp trong KCX-KCN, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Do đó, cho đến thời điểm này mới thông báo cấm khai thác nước ngầm thì doanh nghiệp cũng đã có quá trình chuẩn bị. Những trường hợp doanh nghiệp bị động đối với thông báo này là do trước đó đã cố tình chưa thực hiện chuyển đổi nguồn nước sử dụng chứ không phải là không có thời gian chuyển đổi.
- Hiện tại KCN Minh Xuân còn bao nhiêu doanh nghiệp chưa chuyển đổi nguồn nước sử dụng từ nước ngầm qua nước cấp?

Từ tháng 9-2009, những doanh nghiệp khai thác nước ngầm để sản xuất sẽ bị cấm (Công nhân Công ty TNHH Việt Nam Paiho đang sử dụng nước ngầm).
Kết quả kiểm tra tổng thể tình hình khai thác nước ngầm tại KCN Lê Minh Xuân vừa qua cho thấy còn 8 doanh nghiệp có giếng khoan khai thác nước dưới đất không phép. Do đó, để thống nhất hướng giải quyết tình trạng khai thác nước ngầm không phép này, ngày 13-4, sở đã tổ chức họp các cơ quan chức năng liên quan để lấy ý kiến và đã thống nhất đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh cung cấp đủ nước cho mọi hoạt động của KCN Lê Minh Xuân; toàn bộ 8 giếng khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp đều phải trám lấp theo quy định.
- Nhiều doanh nghiệp cho rằng, công ty đầu tư cơ sở hạ tầng không đảm bảo khối lượng nước cung cấp nên cấm khai thác nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị?
Đó là một trong những trường hợp đặc biệt mà tôi đã đề cập phần trên. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không đủ nước sản xuất thì doanh nghiệp phải làm đơn và phải có xác nhận của công ty đầu tư hạ tầng (đối với doanh nghiệp trong KCX-KCN nhưng công ty đầu tư cơ sở hạ tầng không đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp) hoặc địa phương (doanh nghiệp nằm ngoài KCX-KCN và hệ thống mạng lưới cấp nước chưa xây dựng tới). Trên cơ sở đó, sở sẽ xem xét để tiếp tục gia hạn hoặc cấp phép khai thác nước ngầm cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, những trường hợp khai thác nước dưới đất để xử lý đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt; khai thác nước dưới đất để xử lý theo tiêu chuẩn riêng phục vụ cho sản xuất thực phẩm, chế biến thủy sản, sản xuất các loại nước uống như nước giải khát, nước uống có ga, nước đóng chai, nước đá; cho các công trình công ích, phòng cháy chữa cháy cũng được ưu tiên xem xét cấp giấy phép khai thác nước ngầm.
- Nhưng tại sao sở mới chỉ cấm doanh nghiệp trong KCN Lê Minh Xuân khai thác nước ngầm?
Trong kế hoạch chung trước tiên sẽ triển khai cấm khai thác nước ngầm đối với doanh nghiệp tại KCN Lê Minh Xuân. Đến tháng 9-2009 sẽ áp dụng quy định cấm khai thác nước ngầm này đối với tất cả các doanh nghiệp trong các KCX-KCN khác trên địa bàn thành phố.
Phải nói thêm rằng, hiện việc sụt lún hạ tầng tại TPHCM là đã xảy ra. Do đó, việc hạn chế, tiến tới cấm khai thác nước ngầm là việc làm cần thiết nhằm chủ động ngăn chặn tình trạng tạo ra khoảng rỗng dưới mặt đất, tạo ra những hậu họa khó lường đối với công trình xây dựng, thậm chí tài sản và tính mạng cộng đồng.
Ái Vân