(SGGP).- Đó là nhận định của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Giải pháp chủ động ngăn ngừa, hạn chế sự cố công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM” do Sở Xây dựng TP vừa tổ chức.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, trong quá trình đi kiểm tra, sở đã bắt gặp nhiều đơn vị tư vấn giám sát chỉ làm cho có và để đối phó với chính quyền. Về phía doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn xây dựng Shimizu (Nhật Bản) cũng cho biết, đơn vị này đã từng đi kiểm tra, khảo sát nhiều công trình xây dựng trên địa bàn TP và phát hiện phần lớn trong số đó có tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra sự cố. Theo vị này, có những công trình sử dụng xe cẩu từ thời Liên Xô (cũ) nhưng vẫn được các đơn vị kiểm định cấp chứng chỉ đạt yêu cầu về kỹ thuật và cho đưa vào công trường. Khi được yêu cầu dừng thi công vì phương tiện sử dụng không đảm bảo an toàn thì đơn vị thi công dừng ngay lúc đó nhưng sau đó lại tiếp tục sử dụng lại. Ngoài ra, không ít công trình sử dụng xe xúc trong thi công mà không có hồ sơ về bảo trì bảo dưỡng theo quy định vì đơn vị thi công chỉ đi thuê những chiếc xe này bên ngoài… Chính vì sử dụng những thiết bị không an toàn nên sẽ tiềm ẩn rủi ro dẫn đến các sự cố công trình khi thi công.
Thực tế thời gian qua tại TP đã xảy ra một số tai nạn từ sự cố công trình, như: tháng 7-2015, tòa nhà 17 tầng nằm trong khu đô thị Nam TP bị sập giàn giáo trong lúc đang thi công do lắp đặt, sử dụng giàn giáo không đảm bảo kỹ thuật an toàn khiến 3 người tử vong và 4 người bị thương; tháng 11-2015, công trình xây dựng trên đường Trường Chinh, quận 12 trong quá trình thi công bị gãy đổ cần trục tháp, không thiệt hại về người nhưng khiến 3 đốt trụ tháp bị gãy đổ, gây hư hỏng cục bộ phần tường bao che, sê-nô mái và phần kết cấu khung sàn tầng sân thượng của Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn…
Từ những bất cập nêu trên, là một giáo sư chuyên ngành và có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của đơn vị giám sát khi xảy ra sự cố công trình. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, đa phần các công trình khi công trình xảy ra sự cố, cơ quan chức năng chỉ nhắm vào chủ đầu tư và nhà thầu mà không quy trách nhiệm cho giám sát. Trong khi đó, trong quá trình thi công xây dựng, đơn vị giám sát có nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ từng hạng mục để đảm bảo an toàn thi công. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp cũng nêu một số bất cập trong cơ chế quản lý trong ngành xây dựng hiện nay, đó là cơ quan Nhà nước ôm việc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp quá nhiều nhưng lại không phải chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm. Từ đó, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp đề xuất giải pháp nhằm hạn chế sự cố trong xây dựng, đó là áp dụng cơ chế bảo hiểm, bắt buộc các chủ đầu tư công trình mua bảo hiểm xây dựng. Đây là cánh tay nối dài của cơ quan Nhà nước về quản lý chất lượng công trình. Theo đó, Nhà nước không cần phải đi sâu vào quản lý chất lượng (cũng không đủ năng lực chuyên ngành để đi sâu). Các công ty bảo hiểm sẽ tự biết cách sử dụng các kỹ sư, kiến trúc sư lành nghề để thẩm định chất lượng công trình trước khi bán bảo hiểm.
Với không ít vụ tai nạn từ sự cố công trình trên địa bàn TP gây thiệt hại về người và của trong thời gian qua, để chủ động ngăn ngừa, hạn chế các sự cố công trình xây dựng, ông Lê Hòa Bình cho biết, sắp tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra chặt chẽ công tác lựa chọn nhà thầu cũng như các hoạt động ngành nghề; đồng thời kiểm tra các đơn vị tham gia xây dựng tuân thủ thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định. Qua đó, đảm bảo hạn chế thiệt hại về người và tài sản cũng như không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư xây dựng của TP.
MINH HUY