Tài nguyên đất chưa được sử dụng hiệu quả

Tại TPHCM, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến quỹ đất dành cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu về chỗ ở của người dân ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, hàng trăm ngàn hécta đất của thành phố lại chưa được khai thác một cách hiệu quả nhất.

Đó là hàng trăm dự án bị quy hoạch treo, bỏ hoang hàng chục năm; nhà đất công sản bị chiếm dụng cho thuê rẻ mạt… Bao giờ thì nguồn tài nguyên quý hiếm ấy mới thực sự được sử dụng một cách hiệu quả tại một thành phố mà tấc đất là tấc vàng này?

Tài nguyên đất chưa được sử dụng hiệu quả ảnh 1 Siêu dự án tại Hóc Môn được “xóa treo”, trả lại quyền lợi cho dân sau hơn 10 năm
Dự án treo - “thủ phạm” lớn nhất

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp được giao hàng trăm hécta đất để thực hiện dự án (nhà ở, bãi đậu xe…) nhưng do năng lực hạn chế hoặc gặp một số khó khăn mà dự án kéo dài hàng chục năm khiến đất đai bị lãng phí, đô thị nhếch nhác, người dân thì sống trong cảnh khó khăn, tạm bợ…

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin, thành phố đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà đất công. Trong đó, cho các đơn vị tiếp tục sử dụng 6.597 mặt bằng; thu hồi 197 mặt bằng (đã thu hồi được 169 mặt bằng, còn 28 mặt bằng chưa thu hồi được); cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng 1.597 địa chỉ. Điều đó cho thấy, nguồn lực từ nhà đất do Nhà nước trực tiếp quản lý là rất lớn, nhưng việc sắp xếp, sử dụng để phát huy, khai thác hiệu quả còn chậm. Nhiều trường hợp đã được sắp xếp nhưng chưa đưa đất vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, quy hoạch, mục đích và chức năng. Một số trường hợp cơ quan Trung ương sử dụng đất không đúng mục đích, nhưng việc thu hồi hoặc đề xuất cho TPHCM sử dụng vào mục đích công ích rất khó khăn. Theo ông Thắng, nguyên nhân là do các cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thiếu trách nhiệm trong quản lý sử dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà, đất công không đúng mục đích, sai quy định.
Dự án khu đô thị An Phú Hưng (Hóc Môn) quy mô gần 700ha được kỳ vọng là một Phú Mỹ Hưng thứ 2 của TPHCM. Cuộc trường kỳ sống chung với “quy hoạch treo” của người dân nơi đây kéo dài đến hơn 10 năm mới được… giải thoát, khi nhà đầu tư không thể triển khai dự án vì thiếu năng lực và thành phố đã thu hồi chủ trương đầu tư của dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đặng Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì - nơi bị dự án chiếm phần lớn diện tích, cho biết sau khi thành phố có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư, xã đã tổ chức họp dân để thông báo. Theo đó, mọi quyền lợi của người dân có đất được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Ông Xuân cho biết thêm, ngoài An Phú Hưng được “xóa treo”, trên địa bàn xã còn có dự án Khu đô thị Đại học quốc tế của nhà đầu tư đến từ Malaysia với diện tích 880ha (trong khi diện tích toàn xã chỉ 1.800ha). Dự án này cũng kéo dài cả chục năm nhưng chưa triển khai gì. 

Một số dự án sau khi thu hồi đất của người dân đã kéo dài hàng chục năm vẫn chưa thấy triển khai, đất đai hoang hóa. Cụ thể như dự án tái định cư 38ha (phường Tân Thới Nhất, quận 12) là một “điển hình”.

Tại dự án này có trường hợp người dân bị cưỡng chế thu hồi đất và đất được chính quyền giao cho một doanh nghiệp xây trường học theo “quy hoạch”, nhưng nhiều năm trôi qua mà trường vẫn không thấy đâu.

Trong khi đó, người dân lại thấy thông tin chuyển nhượng dự án đầu tư trường xuất hiện trên mạng! Ngoài ra còn có hàng loạt dự án tại các quận huyện vùng ven như Nhà Bè, quận 9, Bình Chánh… cũng chưa được nhà đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng dù đã được giao đất hàng chục năm. Hiện nhiều dự án chỉ là những cánh đồng mênh mông với những trụ điện lâu ngày chưa vận hành, bắt đầu xuống cấp…

Có thể nói các dự án “treo” là điển hình về sự lãng phí tài nguyên đất. Bên cạnh đó, việc sử dụng lãng phí các tài sản nhà, đất do Nhà nước quản lý thời gian qua cũng gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân.

Lãng phí đất công

Hiện nay, cứ 5 năm dân số TPHCM tăng thêm 1 triệu người, cộng với nhu cầu về “đất sạch” để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư nên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất trở nên cần thiết đối với thành phố hơn bao giờ hết. Trong rất nhiều cuộc họp về phát triển kinh tế, lãnh đạo thành phố đã nhận định, TPHCM muốn phát triển dịch vụ cũng phải cần tới đất.

Ví dụ, cần phát triển y tế thì cần đất để xây bệnh viện, cần phát triển du lịch thì phải xây trung tâm vui chơi giải trí, phát triển thương mại thì phải xây dựng trung tâm thương mại…

Chính vì vậy, thời gian qua, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng lãng phí đất nói trên. Tại một cuộc giám sát về tình hình sử dụng đất công, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh cho biết, qua giám sát ở các đơn vị, quận huyện vẫn còn nhiều địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước chưa được kê khai, bổ sung theo quy định.

Đồng thời việc thu hồi nhà đất công cho thuê chưa được chỉ đạo quyết liệt. Hiện nay, giá cho thuê nhà, đất công còn nhiều bất cập, có một số đơn vị cho thuê theo giá quy định từ năm 1994. Hay ở một số công viên của thành phố lại cho thuê đất xây dựng các công trình kiến trúc khác sử dụng không đúng công năng.

Mặt khác, một số đơn vị được giao quản lý nhà đất công hiện nay có diện tích đất tương đối lớn lại cho đơn vị khác thuê sử dụng không đúng công năng; một số mặt bằng diện tích đất công khác bỏ trống không sử dụng, gây lãng phí.

Đối với các dự án chậm triển khai và không có khả năng triển khai, những năm qua, Sở TN-MT đã cùng với các quận huyện tham mưu cho UBND TPHCM thu hồi chủ trương đầu tư của hàng trăm dự án với diện tích hơn 6.000ha. Mới đây nhất đã “xóa treo” 180 dự án với diện tích hơn 800ha. Để công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, trong thời gian tới thành phố sẽ quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đúng với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời thực sự tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất; phát huy tính dân chủ, công khai trong quản lý nhà và đất trên địa bàn thành phố. Đối với dự án chậm triển khai, UBND TPHCM sẽ chấn chỉnh giải quyết nếu tiếp tục mời gọi nhà đầu tư mới, trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong khu quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục