Tài sản trí tuệ tại các viện, trường chưa được quan tâm

Trong những năm qua, các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam đều triển khai song song hai nhiệm vụ là đào tạo và nghiên cứu khoa học, có một số trường đã chú ý đến việc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế vì các trường vẫn thiếu những công trình, sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao.

Trong những năm qua, các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam đều triển khai song song hai nhiệm vụ là đào tạo và nghiên cứu khoa học, có một số trường đã chú ý đến việc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế vì các trường vẫn thiếu những công trình, sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao.

Tài sản trí tuệ (TSTT) chưa được quản lý và khai thác hợp lý mà nguyên nhân chính là nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) tại các trường đại học vẫn chưa nhiều, số lượng đăng ký và được cấp bằng sáng chế còn khiêm tốn.

Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục SHTT cho rằng, bằng độc quyền sáng chế cấp cho viện nghiên cứu và các trường ĐH của Việt Nam từ năm 2000 - 2015 theo chủ thể chỉ chiếm 15% (64 văn bằng) trong tổng số 421 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích cấp cho các chủ thể Việt Nam. Như vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu của Việt Nam đang làm việc tại các trường ĐH, viện nghiên cứu thì tỷ lệ bằng sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp là quá thấp. Cũng theo ông Lâm, mặc dù không có số liệu chính xác về tình hình  khai thác thương mại từ 64 bằng độc quyền này nhưng với chất lượng của các giải pháp kỹ thuật được bảo hộ sáng chế biết được thông qua quá trình thẩm định đơn sáng chế, có thể ước tính được tỷ lệ này không cao do nhiều công trình nghiên cứu không gắn với thực tiễn, chất lượng của giải pháp kỹ thuật không đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, hiện nay còn có một số khối lượng lớn các tiến bộ khoa học và công nghệ trong các trường ĐH và viện nghiên cứu không được sử dụng, chỉ một số được xem như những thành tựu mang tính hàn lâm và tiêu tốn khá nhiều ngân sách để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, nhưng lại không gắn liền với việc ứng dụng thương mại các kết quả nghiên cứu. Để khắc phục tình trạng đó, vấn đề đầu tiên mà các trường cần quan tâm hàng đầu là sử dụng công cụ SHTT nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu phát triển, đặc biệt là tạo cơ sở cho việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Vấn đề SHTT hiện nay còn khá mới mẻ đối với các trường ĐH tại TPHCM nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Công tác quản trị và khai thác các TSTT ở các trường ĐH gặp rất nhiều rào cản và thường liên quan đến vấn đề thủ tục, quy trình, công tác quản lý, tài chính, các vấn đề liên quan đến nhận thức hoặc tinh thần hay các vấn đề về mức độ nghiên cứu hay liên quan đến chuyển giao công nghệ. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế SHTT của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), để giảm thiểu những rào cản phát sinh trên, cần quan tâm đến chất lượng và giá trị của các TSTT được tạo lập và tính chuyên nghiệp trong việc tham gia vào thị trường công nghệ, bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp được thể hiện ở nhận thức chung về SHTT của tập thể và mỗi cá nhân trong nhà trường.

Chưa hết, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy thương mại hóa TSTT, các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường ĐH cần cung cấp các kết quả nghiên cứu, sáng chế đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của các DN; phối hợp với các doanh nghiệp (DN) khai thác kết quả nghiên cứu, sáng chế. Các trường ĐH, viện nghiên cứu cũng có thể khai thác TSTT bằng cách chuyển giao các kết quả nghiên cứu của mình phục vụ nhu cầu thực tế của địa phương hoặc hợp tác với địa phương theo hình thức thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ dưới sự “đặt hàng” của các DN tạo thành mô hình liên kết 3 chiều: nhà nghiên cứu - nhà nước - DN, địa phương…

 THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục