
Trên bệnh án của người bệnh tiểu đường nếu không tìm được chẩn đoán “Tiểu đường, Nhóm I” thì là nhóm… II. Điều đáng nói là đại đa số người bệnh vẫn chưa biết rõ sự khác biệt giữa 2 nhóm bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường nhóm I
Bệnh tiểu đường thuộc nhóm I còn có tên là bệnh tiểu đường ở người trẻ, xuất phát từ nhận xét vào nhiều thập niên trước là căn bệnh thường xảy ra ở người chưa già, không quá 40.

Về mặt cơ chế bệnh lý, tiểu đường týp I thuộc nhóm thiểu số, thường không quá 5%-10% tổng số người bệnh tiểu đường, là một thể dạng rối loạn chức năng của hệ thống miễn nhiễm gọi là bệnh tự miễn, qua đó cơ thể vì sai lệch trong di thể tế bào hay sau một chấn động tâm thể bỗng sản xuất một loại kháng thể theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”.
Kháng thể khi đó thay vì chống bệnh lại quay sang tấn công tụy tạng. Hậu quả là tụy tạng “không thèm” tổng hợp Insulin theo nhu cầu của cơ thể. Để bổ sung Insulin, bệnh nhân phải được điều trị bằng Insulin dưới dạng thuốc tiêm. Hiệu quả là điều tất nhiên nhưng bất tiện cho người bệnh vì ngày nào cũng phải tiêm thuốc.
Cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng từ phía các nhà nghiên cứu, tại sao tụy tạng lại phản ứng như thế? Điều đáng lưu ý, theo nhận xét của chuyên gia ngành nội tiết qua nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, trẻ bú sữa mẹ ít bị bệnh tiểu đường theo nhóm I, có thể nhờ trong sữa mẹ có kháng thể hữu ích.
Bệnh tiểu đường nhóm II
Trái với nhóm I, bệnh tiểu đường nhóm II được đặt tên là “bệnh tiểu đường của người cao tuổi” vì thường được ghi nhận ở người tròm trèm lục tuần. Định nghĩa này đến nay không còn chính xác vì đối tượng của bệnh tiểu đường nhóm II càng lúc càng mở rộng phạm vi chứ không riêng người cao tuổi, nhất là khi nạn nhân thuộc nhóm béo phì, lười vận động, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, lại thêm cuộc sống căng thẳng và chế độ dinh dưỡng đơn điệu.
Với tỷ lệ 90%-95%, bệnh tiểu đường nhóm II đang “ngon trớn” trên con đường dẫn đầu bảng xếp hạng của các căn bệnh thời đại. Nhóm bệnh này, nếu so với nhóm I, chỉ có một lợi điểm là ít bất tiện cho người bệnh vì có thể dùng thuốc uống và nếu ở dạng nhẹ, vẫn có thể giữ bệnh trong vòng kiểm soát khi biết cách kết hợp chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt vận động. Điều đáng tiếc là số người có thể làm được điều đó rất ít.
Tuy “hai mà một”
Cách phân loại 2 nhóm bệnh tiểu đường như trên hiện không còn giá trị tuyệt đối vì một số dữ kiện đã được xác minh qua nhiều công trình thống kê đáng tin tưởng về số liệu và mô hình nghiên cứu:
- Bệnh tiểu đường thuộc nhóm I không còn khu trú ở người trẻ tuổi mà có thể “gõ cửa” bất cứ ai có cuộc sống quá căng thẳng, quá xa rời thiên nhiên, quá độ về cảm xúc.
- Bệnh tiểu đường thuộc nhóm II cũng không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà cũng có thể xảy ra ở người trẻ, trong số đó “hội chứng cháy sạch” (burnout syndrom) do tụy tạng kiệt lực vì bổn chủ hoặc lạm dụng chất đường, hoặc dùng thuốc làm tăng đường huyết lâu ngày như corticoid, hay có cuộc sống quá căng thẳng khiến đường huyết tăng cao liên tục dưới ảnh hưởng của stress…
- Không ít bệnh nhân được điều trị bằng Insulin vì đường huyết quá cao sau đó vẫn có thể được chữa trị hiệu quả bằng thuốc uống. Ngược lại cũng không thiếu bệnh nhân từ nhóm II chuyển qua nhóm I vì tuy có uống thuốc nhưng không đúng giờ giấc, không chuyên tâm, xem thường kỷ luật trong điều trị bệnh tiểu đường.
Đó là chưa kể đến số đối tượng bị bệnh tiểu đường với tính chất giai đoạn như trong thời gian người bệnh chữa ung thư bằng hóa liệu pháp hay xạ trị, hoặc thường gặp hơn nữa, ở thai phụ trong 6 tháng cuối của thai kỳ.
Thông thường thì đường huyết sẽ trở lại bình thường sau khi chấm dứt liệu trình hay sau khi sinh nở. Song cũng nên lưu ý là 50% người bị bệnh tiểu đường trong lúc mang thai, sẽ dễ bị bệnh này trong vòng 8-10 năm sau đó. Với số đối tượng này, biện pháp tầm soát cần được đặt lên hàng đầu.
Do nhu cầu chẩn đoán, cũng như vì mục tiêu nghiên cứu, giảng dạy… nên thầy thuốc phải phân biệt bệnh tiểu đường thành 2 thể loại. Trên thực tế, 2 nhóm bệnh tiểu đường tuy khác biệt về cơ chế nhưng diễn tiến và nhất là biến chứng thì như nhau, không nhóm nào nhẹ hơn nhóm nào về mức độ nguy hại.
Với người bệnh thì nhóm I hay II không quan trọng vì mục đích duy nhất của người bệnh, không chỉ riêng với bệnh tiểu đường, chỉ là làm sao khỏi bệnh hay tối thiểu làm thế nào để khống chế căn bệnh.
Kỳ sau: Làm sao ngừa bệnh tiểu đường?
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG