Tại sao tiểu đường là bệnh nguy hiểm?

Đã gọi là bệnh tiểu đường thì mối nguy ắt hẳn là do chất đường. Đúng, nhưng không hoàn toàn chính xác. Đúng vì khi lượng đường trong máu tăng quá cao nhưng tế bào trong não lại cạn kiệt năng lượng vì hết đường thì bệnh nhân rơi vào hôn mê do tế bào não ngưng hoạt động, như một kiểu “bại liệt”. Tình trạng này thường xảy ra trên hai nhóm đối tượng:

* Người bị bệnh tiểu đường nhưng chưa biết nên ăn ngọt thả giàn.

* Người tuy đã biết bị bệnh tiểu đường nhưng không được điều trị hiệu quả, hoặc quên uống thuốc, hay thường gặp hơn nữa: cầm lòng không được trước món ngọt sau nhiều ngày kiêng khem quá khắt khe.

Lý do nào bất kể, người bệnh hôn mê vì tiểu đường phải được cấp cứu. Kết quả tất nhiên tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như thể trạng, mức độ tăng đường huyết, thời gian hôn mê, phương tiện điều trị…, nhưng tỷ lệ hiệu quả nói chung vẫn cao.

Nhưng mối nguy của bệnh tiểu đường không dừng lại ở hậu quả trước mắt. Bệnh tiểu đường sở dĩ trầm trọng là do ảnh hưởng lâu dài trên biến dưỡng không của chất đường mà của chất đạm và chất béo. Dưới ảnh hưởng của tình trạng tăng đường huyết, toàn bộ các phản ứng biến dưỡng đều bị rối loạn. Cơ thể khi đó ghi nhận các diễn biến sinh hóa một cách sai lệch nên cũng phản ứng một cách sai lầm.

Vì thiếu năng lượng do chất đường tích tụ trong máu nhưng không được đốt cháy nên cơ thể tìm cách đắp vá bằng cách huy động chất đạm từ nhiều nơi trên cơ thể. Hậu quả là chất đạm bị phân giải một cách “phung phí”. Một thí dụ cụ thể là biến chứng của bệnh tiểu đường ở mắt, từ mức độ nhẹ như cườm mắt vì đục thủy tinh thể cho đến mù mắt vì tróc võng mạc.

Cũng vì chất đạm bị thoái biến liên tục nên hệ thống miễn nhiễm không thể tổng hợp kháng thể. Người bệnh tiểu đường vì thế là con mồi ngon của đủ thứ bệnh bội nhiễm, bệnh ngoài da… Vết thương ngoài da do thiếu chất đạm nên lâu lành. Đau nhức vì viêm thần kinh ngoại biên, viêm khớp cũng là chuyện thường gặp với người bệnh tiểu đường.

Chưa dừng lại ở đó, dù bấy nhiêu đã quá khổ cực cho người bệnh tiểu đường. Tuy thừa đường trong máu nhưng khổ chủ lúc nào cũng thiếu năng lượng. Trước tình trạng đó, cơ thể phản ứng bằng cách tích trữ chất mỡ dưới da với hy vọng dùng chất này như nguồn năng lượng dự trữ.

Vì lý do đó mà chất mỡ trong máu tăng cao cho dù người bệnh kiêng cữ hết mức vì cơ thể, cụ thể là lá gan, tự tổng hợp chất béo. Nhiều người bệnh vì không hiểu điều này, do nhiều thầy thuốc không chịu khó giải thích khi biên toa thuốc nên tiếp tục kiêng khem và vô tình gây trầm trọng thêm vấn đề mà đáng lý không có gì quá nhiêu khê.

Chính vì rối loạn biến dưỡng chất béo mà gan nhiễm mỡ, thận nhiễm mỡ… là hậu quả thường gặp trong bệnh tiểu đường. Đã tăng chất mỡ lại thêm thoái hóa chất đạm thì không lạ gì nếu mạch máu của người bệnh tiểu đường không sớm thì muộn cũng chai cứng vì xơ vữa.

Nặng thì cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hoại tử mô mềm; nhẹ thì thuyên tắc mạch máu đầu chi, trỉ… Hiện nay, thông qua kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, không còn ai nghi ngờ về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và ung thư do sự phá hoại ngấm ngầm của rối loạn biến dưỡng trên hệ miễn nhiễm.

Do đó, không thể chỉ tập trung vào bệnh tiểu đường nếu muốn phòng tránh hậu quả của căn bệnh này. Bên cạnh biện pháp theo dõi đường huyết định kỳ, thầy thuốc có bổn phận tầm soát và đánh giá mức độ rối loạn trên biến dưỡng chất đạm và chất béo ở bệnh nhân.

Đó là lý do tại sao cần phải xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, chất mỡ trong máu, acid uric…, khám mắt, khám bàn chân… và lưu trữ hồ sơ để so sánh kết quả trước sau. Không có cách nào khác nếu muốn giữ bệnh tiểu đường trong vòng kiểm soát.

Nếu lượng đường trong máu tăng cao nhưng không gây xáo trộn gì trên biến dưỡng chất đạm và chất béo thì bệnh tiểu đường, nếu xét về mặt cơ chế bệnh lý, sẽ không đến độ nguy hiểm và cũng không khó chữa. Trên thực tế, không quá phức tạp để ngăn chặn mối nguy của bệnh tiểu đường.

Bằng chứng là từ thập niên 90 của thế kỷ trước, thầy thuốc không còn dùng danh từ “biến chứng” trong bệnh tiểu đường mà chỉ gọi là “di chứng”. Điều đáng tiếc là bệnh tiểu đường, trong nhiều trường hợp, vẫn chưa được chú trọng đúng mức về khía cạnh hậu quả lâu dài. Chính vì thế mà tiểu đường tiếp tục là bệnh trầm kha.

Giải pháp rốt ráo để ngăn chặn căn bệnh này sẽ tiếp tục bất khả thi nếu không hội đủ 3 yếu tố:

* Kiến thức cập nhật của thầy thuốc

* Nhận thức chủ động của người bệnh

* Tri thức đồng cảm của người thân
-----------
Kỳ sau: Biến chứng thường gặp trong bệnh tiểu đường

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục