Tái sử dụng nước thải công nghiệp để bảo vệ nguồn nước

(SGGP). – Ngày 21-12, Trường Đại học Bách khoa TPHCM phối hợp với Viện Công nghệ châu Á (Thái Lan) AIT tổ chức hội thảo “Quản lý bền vững nguồn nước cho đô thị dựa trên tái sử dụng nước thải công nghiệp”.

Hiện TPHCM đóng vai trò quan trọng nhất về tài chính, thương mại cũng như trung tâm kinh tế, công nghiệp của Việt Nam. TPHCM đóng góp gần 30% sản lượng công nghiệp cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP của TPHCM là 11,5%/năm, chiếm 20% GDP cả nước. Mặt trái của sự phát triển này là những hậu quả nghiêm trọng về vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm các nguồn nước. Nguyên nhân chính là chỉ khoảng 50% lượng nước thải công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận trên địa bàn TPHCM.

PGS-TS Nguyễn Phước Dân, Trưởng khoa Môi trường Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng: Để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến sự khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp thì việc ứng dụng công nghệ màng để tái sử dụng nước thải công nghiệp là hết sức cần thiết và thích hợp trong điều kiện Việt Nam.

M.HẢI

Nguy cơ thiếu nước ngọt mùa khô

(SGGP). – Tổng Công ty Cấp nước TPHCM cho biết, đơn vị lo ngại sẽ thiếu nước vào tháng 3 và 4 - 2011. Nguyên nhân là do nguồn nước trên sông Sài Gòn – đoạn lấy nước thô phục vụ cấp nước sinh hoạt của Nhà máy nước Tân Hiệp, vừa bị ô nhiễm vừa bị xâm nhập mặn. Được biết, trong tháng 4-2010, Nhà máy nước Tân Hiệp đã phải ngưng lấy nước 3 – 4 giờ/ngày vì nguồn nước bị xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản, Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết lượng mưa của thành phố đã giảm về số lượng, trữ lượng nước ngầm cũng theo đó giảm mạnh. Hiện trữ lượng nước sông Đồng Nai giảm khoảng 20cm so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, vào mùa khô tình trạng xâm nhập mặn sẽ có khả năng diễn biến khá phức tạp, lấn sâu vào đất liền. Như vậy, nếu tình trạng này không sớm có giải pháp ngăn chặn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt phục vụ cho hoạt động kinh tế xã hội của TPHCM.

H.A.

TPHCM hết chỗ đổ bùn thải kênh rạch

(SGGP). – Công ty Thoát nước đô thị TPHCM vừa cho biết, hiện công ty đã không còn chỗ để đổ bùn thải nạo vét từ cống rãnh và kênh rạch. Trung bình mỗi ngày công ty nạo vét khoảng 1.000 tấn bùn thải. Trước đây, công ty tập trung đổ tại bãi đổ Cần Giờ nhưng cho đến nay bãi đổ này đã đầy.
Hiện thành phố đã quy hoạch cho công ty bãi đổ tại khu vực Đa Phước, huyện Bình Chánh, nhưng do vướng đền bù giải tỏa nên khu đất này vẫn chưa thể sử dụng để làm bãi đổ bùn. Mặt khác, về lâu dài cần phải xây dựng nhà máy xử lý bùn thải. Công ty đã lập dự án xin đầu tư nhà máy xử lý bùn thải với công suất trên 3.000 tấn bùn/ngày đêm nhưng đã hơn 10 năm nay, dự án trên vẫn chưa thể triển khai. Ngoài ra, hiện khối lượng bùn thải nạo vét kênh rạch của 24 công ty dịch vụ công ích 24 quận - huyện cũng không biết đổ đâu. Theo đại diện nhiều công ty, họ sẽ đổ bùn vào bất kỳ nơi nào có thể miễn là thương lượng được với người dân. Điều đáng lo ngại là phần lớn bùn thải kênh rạch chứa chất thải nguy hại.

M.X.

Đà Nẵng: Hơn 90% doanh nghiệp xử lý chất thải không đúng quy trình

(SGGP).- Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, hiện TP Đà Nẵng có khoảng 450 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có 86% cơ sở đã lập báo cáo đánh giá tác động. Qua kiểm tra ở 90 doanh nghiệp thuộc 7 ngành nghề khác nhau cho thấy 90% cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình; các cơ sở chưa ý thức trong việc thực hiện quan trắc và lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo đúng quy định; chưa có các phương án xử lý đúng quy định.

NG. HÙNG

Tin cùng chuyên mục