Hầu như tuần nào Công ty TNHH MTV Công trình Cầu Phà TPHCM (sau đây gọi tắt là Công ty Cầu Phà) cũng phải phát văn bản đề nghị Công an TPHCM, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ ngăn chặn và xử lý xe quá tải qua cầu. Cẩn thận, trong công văn, Công ty Cầu Phà còn kèm ảnh ghi nhận hành vi vượt tải của các xe. Thế nhưng, mọi nỗ lực gần như không đạt được kết quả.
Quá tải: Nguy hiểm, ai cũng biết!
Xem lại toàn bộ các văn bản mà Công ty Cầu Phà gửi cho Công an và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, tình trạng xe quá tải qua cầu chủ yếu tập trung ở các quận 7, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh - những nơi hoặc là đang có tốc độ đô thị hóa rất cao hoặc là nằm trên tuyến đường vận tải huyết mạch từ các cảng biển tới các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chỉ tính riêng trong 2 ngày, từ 15 đến 17-8-2011 đã có hàng chục xe quá tải đi qua cầu Sài Gòn với biển số như sau: 57L-4359, 51R-1679, 57R-9843, 57L-0785… Trước đó, ngày 28-7-2011 cầu Mỹ Phú ở huyện Bình Chánh cũng bị gần chục chiếc xe quá tải vượt qua. Đó là những xe: 57L-5574, 57K-9101, 57L-9306… Ngày 6-8-2011 cầu số 3 trên đường Trần Bình Trọng quận Tân Phú đã bị 3 chiếc xe quá tải băng qua: xe 51C-06957, 54V-7479, 54V-8383… Theo ông Trần Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty Cầu Phà, trong thiết kế của bất kỳ một cây cầu nào, đều “dự phòng” cho tình huống vượt tải xảy ra. Tuy nhiên, nếu tình huống vượt tải liên tục xuất hiện, cầu sẽ bị giảm tuổi thọ và nguy cơ gãy, đổ sẽ trở thành hiện thực nếu không được gia cố, sửa chữa kịp thời.
Những nguyên tắc căn cơ trong thiết kế cầu mà ông Trần Minh Trung nói, thực ra giới vận tải, lực lượng công an và thanh tra giao thông, ai cũng biết khá rõ. Tuy nhiên, xử lý vấn đề này hoàn toàn không đơn giản. Đối với lực lượng công an, không thể tự tiện yêu cầu dừng xe nếu chưa phát hiện xe có lỗi. Thậm chí, với cả những hình ảnh xe quá tải qua cầu mà Công ty Cầu Phà gửi qua, lực lượng công an cũng không thể lấy làm bằng chứng để xử lý vì đó mới là… hiện tượng xe chở khối lượng lớn. Khối lượng lớn ấy có thực sự nặng quá tải trọng cho phép? Không thể xác định bằng hình nên lực lượng công an cũng khó tác nghiệp. Với trách nhiệm là cơ quan bảo vệ công trình cầu, đường, Thanh tra giao thông cũng không thể tùy tiện dừng xe. Đó là chưa kể giới vận tải luôn có nhiều “mánh khóe” để đối phó với Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông, như cử người đi trước nghe ngóng tình hình…
Giới vận tải cũng có những lý lẽ riêng. Ông Nguyễn Ngọc Tới, Thư ký Hội đồng thành viên cảng Sài Gòn cho biết, không có ý định bênh vực cho xe container nhưng có một thực tế mà ngành chức năng cần lưu ý khi xử phạt xe container quá tải. Vận tải bằng container là phương thức vận tải hiện đại, tiện lợi đang được rất nhiều hãng tàu trên thế giới áp dụng. Khi tiếp nhận container, các chủ xe phải tiếp nhận “nguyên đai, nguyên kiện” gần như không thể mở container ra để hạ tải bởi như thế sẽ rất phiền phức. Hàng có thể bị thất thoát, hư hỏng… Chính vì vậy, dù biết chở quá tải là vi phạm luật, là nguy hiểm cho công trình cầu nhưng giới vận tải cũng khó có thể chọn lựa phương thức khác.
Vận tải khối lượng lớn: Xu thế tất yếu
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tàu chở container cập cảng biển Việt Nam đang chiếm một khối lượng áp đảo so với tàu chở hàng rời. Và không chỉ có thế, theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật cùng các lợi ích kinh tế thu được khi vận chuyển bằng container, càng ngày càng xuất hiện nhiều loại hình container lớn. Hiện nhiều nước trên thế giới đang sử dụng loại container 45 - 53 feet. Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, container lớn chưa phổ biến mà đa phần là những container 20 - 40 feet. Tuy nhiên, vài cảng nước sâu hiện đại tại Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã rải rác có tàu chở container loại 45 feet và 53 feet cập cảng.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tới, về nguyên tắc, hàng rời có thể tháo rời ra được để phù hợp với tải trọng của cầu. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp cũng khó tháo rời nếu đó là một cuộn dây sắt, một khối kim loại lớn…
Như vậy, vấn đề hiện nay không chỉ xử lý xe quá tải mà TPHCM phải dồn sức cho việc xây dựng cầu mới với tải trọng đủ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng to, càng lớn của các cảng biển, ông Nguyễn Ngọc Tới nói. Nhất là khi hoạt động của các cảng biển là một trong những ngành kinh tế lớn, là nguồn thu quan trọng của TPHCM.
Trở lại với Công ty Cầu Phà, ông Trần Minh Trung cho biết, giải pháp tốt nhất để xử lý tình trạng xe quá tải qua cầu là xây cầu mới với tải trọng lớn. Tất nhiên, với khả năng tài chính còn hạn hẹp của thành phố, việc đầu tư xây dựng hàng loạt cầu mới là không thể nhưng như nhiều nước trên thế giới, hãy tập trung cho những tuyến đường huyết mạch. Đối với TPHCM nên tập trung cho những tuyến đường từ cảng biển đến các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ở những khu vực còn lại - khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng lớn, nếu chưa có điều kiện xây cầu mới, cần xử lý nghiêm các hành vi chở quá tải bởi về cơ bản loại hàng hóa này có thể hạ tải khá dễ dàng. Nên chăng, tại những tuyến đường “nóng” về hành vi ấy, ngành chức năng cho bố trí các trạm cân di động để kiểm tra và ngăn chặn ngay xe quá tải.
Trong những trường hợp bất khả kháng, chủ doanh nghiệp vận tải muốn chở quá tải, phải thực hiện theo đúng quy trình. Đó là, có phương án gia cố cầu, báo cáo cơ quan chức năng để cùng phối hợp tính toán cho xe quá tải qua cầu một cách an toàn. TPHCM đã có nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định này như doanh nghiệp trúng thầu chở các mũi khoan ngầm cho dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Mũi khoan nặng gần trăm tấn và doanh nghiệp đã cùng ngành chức năng đưa mũi khoan đến vị trí cần có một cách an toàn dù phải vượt qua khá nhiều cầu dưới tải trọng này.
NGUYỄN KHOA