Tấm lòng son của “nhà Nho cuối cùng”

Năm 85 tuổi, Giáo sư Vũ Khiêu được phong tặng Anh hùng Lao động bởi sức làm việc phi thường và miệt mài của ông.
Tấm lòng son của “nhà Nho cuối cùng”

Năm 85 tuổi, Giáo sư Vũ Khiêu được phong tặng Anh hùng Lao động bởi sức làm việc phi thường và miệt mài của ông.

 Và tới tận thời điểm này, khi đã bước sang tuổi 100, ông vẫn không ngừng làm việc. Đến nhà lúc nào cũng thấy ông đang trong trạng thái làm việc, không thì đọc sách. Với con người được mệnh danh là “nhà Nho cuối cùng” ấy, việc để lại tri thức cho đời là tâm nguyện luôn nung nấu với một tấm lòng son.

Ngày 17-9-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tặng hoa, chúc mừng Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu thượng thọ 100 tuổi.

Như cây cao bóng cả

Tôi đã có nhiều dịp được đến nhà GS Vũ Khiêu khi ông chưa chuyển về Mỹ Đình, vẫn còn ở một căn hộ trong khu tập thể của Viện Khoa học xã hội ở phố Vạn Bảo (Hà Nội). Nếp nhà thanh sạch, ngoài ban công là vài chậu hoa, phòng nào trong căn hộ cũng bé nhỏ vì bốn bề vây quanh đều là sách. Ở giữa kho sách “thiên kinh vạn quyển” ấy, có một con người thật hiền từ, chu đáo và độ lượng, nói năng từ tốn, nhẹ nhàng. Mỗi lần được trò chuyện cùng ông là mỗi lần người đối thoại có cảm giác kho tri thức trong mình lại đầy thêm. Bởi ông như một kho tàng chứa đầy đủ những kiến thức về triết học, đạo đức học, văn hóa nghệ thuật, chính trị xã hội… như cây đàn quý chỉ cần chạm vào một phím là có thể ngân lên muôn khúc tiêu dao.

Sự trải đời của một trí thức lớn như ông không dễ mấy ai có được, bởi cuộc đời ông đã gắn bó một phần rất mật thiết với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông đã sát cánh với những trí thức lớn của đất nước để cùng họ tạo dựng nền móng cho ngành khoa học xã hội nhân văn của nước nhà. Sau năm 1954, GS Vũ Khiêu tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký Khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Xã hội học ở Việt Nam.

Với vốn kiến thức uyên thâm, GS Vũ Khiêu cũng là người có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của nước nhà, nhất là những sự kiện liên quan đến Nho giáo. Ông đã cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris (Pháp). Nói đến người viết văn tế, đặt các bài phú, làm câu đối… có lẽ không ai qua được GS Vũ Khiêu. Ông đặt câu đối rất hay, chữ nghĩa cao rộng lồng lộng, ý tứ sâu xa thấm thía, nhiều gia đình còn đến xin ông đặt tên cho con mình để mong đứa bé có một tương lai học vấn xán lạn. Những câu đối của ông được rất nhiều người truyền tụng, như: câu đối thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đền liệt sĩ huyện Xuân Trường, Nam Định: Nối nghiệp Hùng Vương: Giữ vững sơn hà cho vạn thế/ Theo gương Các Mác: Sáng ngời trí dũng trước năm châu; tại đền thờ Tổng Bí thư Trường Chinh: Góp gió Ba Mươi, biển cách mạng năm vùng nổi Sóng/ Giương cờ Tháng Tám, trời tự do muôn thuở rực Hồng; hoặc mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thăng Long thiên tuế thịnh/ Đại tướng bách niên xuân… Cố GS Trần Văn Giàu cũng đã từng dành tặng những lời nhận xét đầy sâu sắc về GS Vũ Khiêu, ông viết: Anh ấy có nhiều tư tưởng sâu về triết học, văn hóa và nghệ thuật. Con người của Vũ Khiêu, thoạt trông đã mến rồi, đã tin được rồi. Tôi thấy Vũ Khiêu có cái trán cao, hai mắt sáng, trán và mắt của trí giả, có cái miệng bao giờ cũng như mỉm cười, ấy là con người cởi mở, bao dung và dễ hầu chuyện, thâm mà không hiểm…

Những kiến thức quý giá của GS Vũ Khiêu luôn được chia sẻ với mọi người, ông bảo: “Tôi luôn mong muốn chúng ta có một xã hội học tập, ai cũng được học hành và có khát khao học hành. Cuộc đời tôi đã trông vào tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phấn đấu vươn lên, Người không ngày nào mà không rèn luyện tinh thần và trí tuệ của mình. Tôi cho dù nhiều tuổi cũng không cho phép mình ngừng lại, chỉ trừ lúc ốm đau, còn khi nào hồi phục là tôi lại ngồi vào bàn làm việc để viết, đọc và nghiên cứu. Tôi muốn san sẻ những kiến thức của mình với tất cả mọi người, khích lệ họ học hỏi nhiều hơn về những giá trị chân - thiện - mỹ, thiếu hụt những tri thức khoa học xã hội, tâm hồn con người sẽ cằn cỗi, phẩm chất tốt đẹp của con người sẽ tiêu vong”.

Sức làm việc thần kỳ

Từ trẻ, GS Vũ Khiêu đã chọn cho mình một con đường để truyền bá tri thức hiệu quả nhất, đó là viết sách. Bản thân ông có hơn 30 đầu sách là những công trình nghiên cứu để đời, như: Đẹp (năm 1963), Cao Bá Quát (1970), Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Ngô Thì Nhậm (1976), Cách mạng và nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980), Nguyễn Đình Chiểu - Ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam (1980), Bàn về văn hiến Việt Nam (3 tập, năm 2000), Trường Sơn máu lửa, Vạn đại Anh hùng và Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam (2012)… Không dừng lại ở đó, ông còn đứng tên chủ biên hoặc đồng tác giả của nhiều đầu sách, công trình nghiên cứu khác. Tuy tuổi đã cao nhưng trong con người GS Vũ Khiêu luôn ẩn chứa một sức mạnh trí tuệ và sức làm việc phi thường. Năm nào ông cũng đi công tác về nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi chuyến đi là một dịp ông khám phá ra những điều mới lạ về con người, về đồng bào các dân tộc, về văn hóa khắp mọi miền. Đến đâu ông cũng được bà con đón tiếp chân tình, niềm nở như người nhà. GS Vũ Khiêu tâm sự: “Có những nơi tôi đi nhiều lần nhưng không bao giờ có cảm giác nhàm chán, vẫn thích đến để tìm hiểu”.

Gần 20 năm về trước, ở tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn có 5 người thư ký giúp việc, đánh máy bên mình để phụ giúp công việc nghiên cứu, viết sách, vì ông không cho phép mình ngơi nghỉ. Niềm say mê nghiên cứu của ông đã truyền thụ được cho 4 người con. Các con của GS Vũ Khiêu hiện cũng đều là những người thành đạt nhờ tri thức, đó là Đặng Thị Quỳnh Khanh: cử nhân sử học, Đặng Vũ Cảnh Khanh: GS-TS Xã hội học, Đặng Vũ Hạ: kỹ sư vô tuyến điện và Đặng Vũ Hoa Thạch: họa sĩ. GS Cảnh Khanh vẫn thường kể chuyện cách giáo dục con cái của cha mình, ông không bao cấp, không cho con tiền mà chỉ giao việc để các con làm, nếu có kiếm được đồng tiền thì cũng chính là từ sức lao động ấy. Và đặc biệt, GS Vũ Khiêu luôn yêu cầu các con phải học hỏi, phải đọc và sống trong bầu không khí học thuật.

Có lẽ cái tinh thần học tập suốt đời ấy, GS Vũ Khiêu đã được thừa hưởng từ quê hương ông, làng Hành Thiện - đất học nổi tiếng của huyện Xuân Trường, Nam Định. Ông nội của GS Vũ Khiêu là một nhà nho đã đào tạo nhiều trí thức thành tài - kế tục cha, nên ông đã học chữ, đọc thơ chữ Hán từ khi 5 tuổi. Quê hương bao giờ cũng có một vị trí thiêng liêng trong lòng GS Vũ Khiêu. Mỗi dịp lễ tết, giỗ chạp, ông lại về với làng Hành Thiện, dâng hương trong nhà thờ tổ, đi thăm viếng họ hàng, viết cho làng vài đôi câu đối và quan trọng nhất là khơi dậy tinh thần khuyến học. Dòng họ Đặng Vũ ở Hành Thiện đã có rất nhiều người thành đạt cũng là nhờ học tập tinh thần của GS Vũ Khiêu. GS Vũ Khiêu cho biết: “Ở làng tôi, giàu có chưa chắc đã được trọng bằng có chữ. Thậm chí, trọc phú thì dễ bị coi thường. Những gia đình khá giả có con gái ngoan cũng thường tìm gả cho các hàn sĩ, tiền ít nhưng chữ nhiều. Các cô gái đẹp cũng hay yêu những nhà nho, không phải chỉ vì hy vọng rồi chồng mình sẽ đỗ đạt, hiển danh mà những người có học thường sống có tình hơn”.

Có lẽ ít người biết rằng, con người có tấm lòng son sắt với đời ấy, hầu hết cuộc đời của ông đã sống trong những điều kiện vật chất eo hẹp, ông từ chối rất nhiều lần khi được phân nhà theo tiêu chuẩn, chỉ chọn một nếp nhà thanh bạch. Thời tuổi trẻ, cả gia đình ông sống trong nếp nhà chỉ hơn 20m², rồi vài chục năm gắn bó với căn hộ tập thể rộng 58m2 ở Vạn Bảo, mãi tới vài năm gần đây, ông mới chịu chuyển về ngôi nhà mới ở Khu đô thị Mỹ Đình cùng con cháu. GS Vũ Khiêu bảo: “Đời tôi quý nhất là bạn bè và tri thức, những thứ đó nhà rộng đến đâu cũng không chứa nổi, vậy thì tham lam nhà cửa làm gì”. GS Vũ Khiêu đã cống hiến cả đời mình cho ngành khoa học xã hội nhân văn của nước nhà, ông cũng chính là Viện trưởng đầu tiên đặt nền móng xây dựng Viện Khoa học xã hội TPHCM khi đất nước mới thống nhất. Năm nay, GS Vũ Khiêu thượng thọ 100 tuổi, có thể nói một thế kỷ đã qua trong cuộc đời ông là 100 mùa hoa đẹp nhất mà ông dâng tặng cho đời.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục