
Chỉ nghe những câu chuyện bà kể về những đứa trẻ khuyết tật, về các đồng nghiệp; chỉ cần đọc được những cảm xúc bất chợt trong đôi mắt ngời sáng của người phụ nữ đã 29 năm gắn bó với trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tàn tật, chúng tôi hiểu được một phần câu chuyện về người nữ tu ấy.

Sơ Hữu đang chăm sóc em Hoàng Nguyên.
Làm việc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi tàn tật Thị Nghè từ khi trung tâm mới thành lập (năm 1976), sơ Nguyễn Thị Hữu trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các em. Công việc hàng ngày của các nhân viên ở đây thật vất vả, ngoài việc chăm sóc, tập vật lý trị liệu để phục hồi cho trẻ khuyết tật, các cô còn đến với những đứa trẻ bất hạnh bằng tình thương của người mẹ.
Vì bị bại não, thiểu năng thần kinh nên các em “tập trước quên sau”, đòi hỏi sơ Hữu và các nhân viên tại đây phải kiên trì, nhẫn nại để giúp các em có thể tự mặc quần áo, sinh hoạt cá nhân. Hiểu được vật lý trị liệu đúng cách sẽ sớm phục hồi sức khỏe cho người khuyết tật, sơ Hữu đã đi tu nghiệp 4 năm ở Thụy Sĩ với chuyên ngành sư phạm trị liệu cho trẻ khuyết tật.
Sơ tâm sự: “Lúc bấy giờ tôi lo lắm vì sợ sau 4 năm, bọn trẻ sẽ không còn nhận ra mình, không thân thiện với mình nữa. Nhưng thật bất ngờ, các em nhớ đến tôi, vẫn gọi tên tôi thật trìu mến. Tôi còn nhớ em Hoàng Nguyên vốn bị bại não nặng, không đi đứng bình thường được nhưng khi thấy tôi đã vừa gọi tên, vừa siết chặt tay tôi. Thương các em quá chừng, tôi cứ mặc cho nước mắt tuôn trào”.
29 năm trôi qua, ngày cũng như đêm, sơ Hữu cùng với các nhân viên của mình chăm sóc, lo lắng cho các trẻ khuyết tật từ bữa ăn đến giấc ngủ. Ngần ấy năm, đã có nhiều em đến rồi rời khỏi trung tâm, có em rời xa vĩnh viễn… mà đến giờ sơ Hữu vẫn còn nhớ từng em.
Hiện nay trong trung tâm có 580 trẻ khuyết tật, trong đó có 380 em nội trú là những trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi, số còn lại là bán trú. Trung tâm hiện đang tổ chức dạy văn hóa từ mẫu giáo đến hết cấp 1 cho các em. Sau một thời gian được chăm sóc ở trung tâm, các em trên 16 tuổi và có tiến triển trong điều trị sẽ được đưa đến trung tâm 2 ở Lộc Phát, Bảo Lộc (Lâm Đồng) để làm quen với lao động.
Tại đây, các em sẽ trồng và chế biến trà, cà phê, chăn nuôi, học văn hóa và các nghề như may, đan, móc, gia chánh… Để tăng thêm thu nhập cho các em, sơ Hữu đã tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Hiện nay trà do các trẻ khuyết tật làm ra đã được xuất khẩu qua Ý. Trung tâm có hai cơ sở, một ở Bảo Lộc, một ở TPHCM, vì vậy, sơ Hữu cứ như “con thoi” hết ở Bảo Lộc lại về TP và ngược lại để chăm sóc các em.
Cuối năm nay, sơ đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, sơ Hữu vẫn còn rất nhiều trăn trở với công việc của mình. Sơ tâm sự: “Chăm sóc sức khỏe cho các em đã khó, giúp các em hòa nhập với cuộc sống bình thường lại càng khó hơn…”. Hiện nay ở trung tâm vẫn còn khá đông các em khuyết tật đã ngoài 20 tuổi nhưng do chưa kiếm được việc làm nên trung tâm vẫn phải cưu mang…
THẠCH THẢO