N.C.V. (8 tuổi) là một học sinh nam có thành tích học tập khá tốt, nhiều năm liền là học sinh giỏi tại một trường tiểu học ở quận 3. Kết quả đó có được một phần nhờ sự thông minh sẵn có, phần vì V. hầu như dành cả thời gian thư giãn ít ỏi hàng ngày cho việc học ở nhà. Đêm nào, V. cũng phải hoàn thành chừng 7 bài tập toán, vài phần bài tập trong sách giáo khoa, các bài tập nâng cao cô giáo cho thêm về nhà. Chưa kể là các môn phụ khác. Nên em phải thức đến hơn 11 giờ đêm mới được đi ngủ. Đã vậy, có mẹ là giáo viên nên V. cũng phải ý thức làm sao không để mẹ mất mặt với đồng nghiệp khác ở trường.
Thế nhưng, từ đầu học kỳ 2 đến nay, V. bắt đầu học hành sa sút. Đầu tiên là hay ngủ gật trên lớp, ánh mắt tỏ ra vật vờ. Tiếp đến là ít nói, không chịu đến lớp, tỏ ra chống đối khi mẹ chở đến trường… Lo lắng cho sức khỏe của con, lại được nhiều bạn bè khuyên nhủ, mẹ V. đưa con tìm đến Khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TPHCM). Tại đây, V. được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bị tổn thương tâm lý (có dấu hiệu của bệnh tâm thần). Nguyên nhân chính xuất phát từ những áp lực liên quan đến học hành thường ngày.
Ngoài trường hợp điển hình như em V., Bệnh viên Tâm thần TPHCM cũng đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp các em bị mắc chứng lo âu, trầm cảm nặng nề. Nhiều em không chỉ ít nói mà còn thiếu tập trung, lại hay quên. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2012, bệnh viện kể trên đã tiếp nhận gần 430 trường hợp các em mắc chứng lo âu, trầm cảm, gần 500 cháu có dấu hiệu loạn tâm thần ảo giác. Đặc biệt, trong số 28.000 lượt bệnh nhân tìm đến bác sĩ bệnh viện, có từ 600-650 ca có vấn đề về thần kinh liên quan đến áp lực học hành. Đáng chú ý, số học sinh mắc các triệu chứng này tăng đều đặn hàng năm.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) cho rằng, khi phát hiện có bất kỳ dấu hiệu nào ở con cái như vừa kể trên, các phụ huynh phải nhanh chóng đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị. Tùy theo mức độ bệnh của các em mà có khoảng thời gian và cách chữa trị khác nhau. Phổ biến nhất là 6 tháng vừa bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Trong thời gian điều trị, các em vẫn có thể đi học bình thường. Tuy nhiên, quá trình điều trị luôn cần sự hợp tác chặt chẽ từ phụ huynh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, hiện học sinh đang phải học quá nhiều mà thiếu đi thời gian vui chơi. Chính các phụ huynh ở nhà phải thường xuyên gần gũi, trò chuyện và tạo các khoảng thời gian hứng khởi cho các em. Qua đó, nếu phát hiện các triệu chứng thần kinh phải sớm tìm cách chữa trị. Tránh để hậu quả đáng tiếc lên tâm lý, sức khỏe của các em về sau.
TƯỜNG HÂN