Trong các địa phương ven biển, Khánh Hòa là nơi có phong phú về số lượng lẫn trữ lượng các loài san hô. San hô tập trung ở 3 vịnh lớn là Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong. Trước đây, nạn khai thác san hô nổi cộm nhất là ở TP Cam Ranh. Ở đây, mỗi năm có hàng chục ngàn tấn san hô bị “nướng” vào các lò vôi, hay cho các thú chơi san hô cảnh nhưng hiện huyện Vạn Ninh mới chính là điểm nóng.
Cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa về thôn Xuân Đông (Vạn Hưng, Vạn Ninh), chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh tận diệt san hô. Xuân Đông có nhiều thuận lợi cho việc khai thác vì có nhiều rạn san hô dày đặc, nằm sát bờ biển, thuận tiện về giao thông, bãi chứa...
Tại thôn này có ít nhất 2 bãi đất trống rộng hơn 2ha là điểm tập kết, sơ chế san hô trước khi xuất bán. Tại đây, có hàng chục khối san hô sống còn giữ nguyên màu trắng, đã bị xẻ năm, xẻ bảy để tạo dáng. Người dân ở đây nói rằng những đống san hô này “vô chủ”, dù nó nằm sát ngay hè nhà, ngày ngày lại có người đến đục, đẽo, chế tác...
Men theo con đường mòn thôn Xuân Đông, chúng tôi ra sát mép biển, nơi trước đây hễ có dịp đặt chân tới, ai cũng muốn ngắm nhìn những rạn san hô lấp lánh, nhấp nhô trong sóng biển. Còn bây giờ trở lại, chỉ thấy những hố sâu 5 - 10m nằm san sát nhau, dấu tích của những tảng san hô lớn đã bị đào bới và chở đi từ lâu. Tại mép biển này, việc khai thác san hô kiểu “móc ruột” đã làm cho chân đê chắn sóng từ những rạn san hô vững chắc nay không còn, khiến biển xâm thực nghiêm trọng, cuốn đi những ngôi nhà nằm sát biển...
Anh Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Công an xã Vạn Hưng, chỉ về phía biển lúc thủy triều đang lên, rồi than thở: “Trước đây, vào những lúc nước cạn sẽ nhìn thấy rõ những bãi san hô tuyệt đẹp, nay thì không còn nữa và biển cũng vắng bóng người...”.
Theo UBND xã Vạn Hưng, nạn khai thác san hô tại địa phương xuất hiện từ năm 2006, nhưng mạnh nhất là năm 2008, khi Vạn Ninh là địa phương sôi sục về thú chơi hòn non bộ, mà vật liệu chính là san hô. Có thời điểm, toàn xã có gần cả trăm hộ gia đình tập trung khai thác san hô, khiến cả vùng biển trở nên đục ngầu.
Theo tính toán, một khối san hô chết hiện nay có giá 700 - 800 ngàn đồng, san hô sống từ 2,2 - 3 triệu đồng. Dễ dàng khai thác và có thể khai thác với số lượng lớn nên nhiều người đua nhau đi tìm san hô. Vì thế, mà tại xã Vạn Hưng có chuyện sử dụng cả thiết bị cơ giới để tận diệt san hô.
Bà Trần Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, bức xúc cho rằng việc khai thác san hô tại địa phương đang báo động, trong đó, thôn Xuân Đông là điểm nóng. Hiện có trên 20ha diện tích bãi bồi trải dài trên 3km biến mất do khai thác san hô. Trong 3 năm qua, địa phương đã tiến hành bắt giữ 32 vụ vi phạm về khai thác san hô, tuy nhiên chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính. Xã cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến người dân, thậm chí còn vận động bà con ký cam kết không khai thác san hô nhưng ký xong lại tái phạm. Đã vậy, khi lực lượng xã tổ chức tuần tra, kiểm soát thì gặp sự chống trả quyết liệt của người khai thác san hô.
Theo ông Bùi Lân, Đội trưởng Đội Thanh tra số 4 thuộc Thanh tra Sở NN-PTNT Khánh Hòa, tình hình khai thác san hô trên địa bàn Vạn Ninh khá phức tạp, diễn ra trên diện rộng, với nhiều đối tượng tham gia và rất ngoan cố. Đội Thanh tra số 4 được thành lập năm 2007 nhưng do nhiều khó khăn nên việc truy quét khai thác san hô trái phép chỉ mới tăng cường gần đây. Từ năm 2011 đến nay, đội bắt quả tang 11 vụ khai thác, chở lậu san hô; đã xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Tại thời điểm có đoàn thanh tra liên ngành, việc khai thác san hô tạm lắng nhưng khi đoàn đi rồi thì lại đâu vào đó…
VĂN NGỌC