Tận dụng AI sao cho đúng cách

Trong một nỗ lực siết chặt quy định về AI, các nhà lập pháp chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về một số sửa đổi trong dự thảo quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) để kiềm chế AI sáng tạo (Generative AI), như ChatGPT.
Tập đoàn Panasonic Connect đã giúp nhân viên tại Nhật Bản sử dụng hệ thống AI để cải thiện năng suất. Ảnh: Nikkei Asia
Tập đoàn Panasonic Connect đã giúp nhân viên tại Nhật Bản sử dụng hệ thống AI để cải thiện năng suất. Ảnh: Nikkei Asia

Kỳ vọng luật hoàn chỉnh đầu tiên

Cuộc bỏ phiếu quyết định về dự luật quản lý trí tuệ nhân tạo hôm 11-5 đã đánh dấu bước tiến mới trong quy trình thông qua đạo luật chính thức quản lý các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT. Các ủy ban phụ trách bảo vệ người tiêu dùng và các quyền tự do dân sự của Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua văn bản dự thảo khẳng định quan điểm cần kiểm soát cách sử dụng AI ở EU, song song với thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực này, nhưng phải tôn trọng các quyền cơ bản, theo đó AI phải phục vụ con người, xã hội và môi trường.

Sau 2 năm thảo luận, Đạo luật AI đang được mong đợi tại EU sẽ trở thành luật hoàn chỉnh đầu tiên quản lý công nghệ này, vì đã bổ sung thêm các điều khoản cấm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại những nơi công cộng (dự báo có thể gây ra xung đột giữa các nước EU) và các công cụ sử dụng thuật toán dự báo hành vi tội phạm, các ứng dụng AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI, kiểm tra sinh trắc học… Theo đó, các ứng dụng này phải gửi thông báo lưu ý người dùng rằng, sản phẩm của các công cụ này là do máy móc tạo ra, không phải con người.

Văn bản này cũng có phần nội dung yêu cầu bổ sung các tiêu chí để xác định lĩnh vực có nguy cơ cao nếu ứng dụng AI, qua đó hạn chế quy mô thiết kế công cụ. Các công cụ AI sẽ được phân loại theo mức độ nguy cơ mà mỗi công cụ có thể gây ra. Các chính phủ và các công ty sử dụng những công cụ này sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ khác nhau tùy theo mức độ nguy cơ.

Trong tháng tới, văn bản dự thảo sẽ được đưa ra toàn thể EP thông qua trước khi tiếp tục được chuyển tới các nước thành viên EU xem xét và hoàn thiện. Dù danh sách được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất đã bao gồm các trường hợp sử dụng AI trong quản lý cơ sở hạ tầng trọng yếu, giáo dục, nhân lực, trật tự công cộng và nhập cư, nhưng các nghị sĩ EP cũng mong muốn bổ sung những ngưỡng quy định phân định những mối đe dọa với an ninh, y tế và các quyền cơ bản.

Nhật Bản sẽ đi đầu

Nhiều nước cũng đi tìm lời giải bài toán vừa tìm cách ngăn chặn ngành công nghiệp trong nước tụt hậu, vừa phải giải quyết các mối lo ngại về quyền riêng tư của công dân.

Tại châu Á, Hội đồng chiến lược về trí tuệ nhân tạo của Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên đã được triệu tập với mục tiêu thiết lập một khuôn khổ để hướng dẫn sự phát triển của AI. Phát biểu trước hội đồng trên, Thủ tướng Fumio Kishida nhận định: “AI có tiềm năng thay đổi xã hội kinh tế của chúng ta một cách tích cực, nhưng cũng có rủi ro. Điều quan trọng là phải giải quyết cả hai vấn đề một cách thích hợp”.

Việc sử dụng kỹ thuật AI sẽ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp, giải quyết các vấn đề của toàn xã hội, nhưng phải sử dụng AI hợp lý và giảm thiểu rủi ro cho người dùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung về mặt kỹ thuật. Các chuyên gia Nhật Bản hối thúc trong thời gian tới, cần phải tiến hành thảo luận trên cơ sở góc nhìn rộng lớn hơn, với sự tham gia của các lĩnh vực như kinh doanh, pháp luật. Tờ Nikkei Asia cho rằng, một thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt là làm thế nào để nâng cao trình độ phát triển AI trong nước song song với trọng tâm điều chỉnh việc sử dụng AI tổng quát, trong đó an ninh, quyền riêng tư và bản quyền là những vấn đề quan trọng.

AI bắt đầu gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày khi nhiều hình ảnh và video giả mạo cũng như văn bản do robot tạo ra, gây ra mối lo ngại từ an ninh quốc gia đến thông tin sai lệch. Các bộ trưởng kỹ thuật số và công nghệ từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đồng ý biên soạn các hướng dẫn về phát triển và sử dụng AI tổng quát vào cuối năm nay. Với việc Nhật Bản là Chủ tịch G7 năm 2023, Thủ tướng Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc xây dựng các quy tắc mang tính quốc tế để có thể tận dụng tối đa triển vọng, cũng như ứng phó với các nguy cơ từ AI tạo sinh.

Cũng như Nhật Bản, Nhà Trắng hồi tuần rồi thông báo sẽ đầu tư 140 triệu USD để lập 7 trung tâm nghiên cứu AI và công bố hướng dẫn về việc sử dụng công nghệ tiên tiến này với mục tiêu là tạo ra các quy tắc sao cho vừa giảm thiểu rủi ro nhưng không cản trở sự phát triển của các đổi mới ứng dụng của AI. Phát biểu trước Hội đồng Cố vấn về khoa học và công nghệ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, AI có thể giúp đối phó với một số thách thức rất khó khăn như bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta cũng phải giải quyết những rủi ro tiềm tàng đối với xã hội, nền kinh tế và an ninh quốc gia. Các công ty công nghệ có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn trước khi tung ra thị trường.

Tin cùng chuyên mục