Cuối tháng 4, đầu tháng 5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cuộc khảo sát lần thứ 2 về thực trạng của DN. Kết quả cho thấy, 55% DN tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh; 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động... Các tỷ lệ này dù không so sánh được với thời điểm trước dịch Covid-19 nhưng ấn tượng và tốt hơn nhiều so với con số mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
Dẫu vậy, các DN vẫn đang hết sức khó khăn. Ở thời điểm hiện tại, 69% DN bị giảm doanh thu do thị trường thu hẹp; 45% DN thiếu vốn, dòng tiền; 22% DN khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu; 18% DN thiếu hụt lao động có kỹ năng… Điều mong muốn của DN là bên cạnh việc tiếp tục bổ sung các khoản hỗ trợ hợp lý (như kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, thu; miễn, giảm các loại thuế; cắt giảm các khoản phí, lệ phí… ) thì biện pháp trợ giúp quan trọng nhất là thực thi thật nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ đã ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn, lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không còn ý nghĩa.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố ghi nhận mức độ hài lòng của DN với chính quyền địa phương cao nhất trong vòng một thập niên rưỡi qua. Trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, sẽ diễn ra trong thời gian tới và đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn. Việt Nam một lần nữa đứng trước cơ hội lớn để “hóa rồng”, “hóa hổ”.
Đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Đáng mừng là Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà xét pháp luật để xây dựng phương án trình Quốc hội, Chính phủ xóa bỏ chồng chéo, bất hợp lý, nhất là các quy định về đầu tư, xây dựng... Minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai nhanh các dự án là giải pháp cứu cánh cho các DN, giúp huy động được nguồn vốn xã hội đang còn rất lớn cho đầu tư kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ thúc đẩy được “4 mũi giáp công”: đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đối tác công - tư và đầu tư công cho phát triển. Chỉ riêng việc giải ngân khẩn trương trên 30 tỷ USD khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, tạo cơ hội cho DN, việc làm cho người dân… Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay như quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ.
Nhằm chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, Chính phủ cần giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Công thương, VCCI… triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục đích là chủ động tham gia kiến tạo, vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam chứ không thụ động chờ họ tìm đến.
Để DN Việt đủ sức trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, cần sớm xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN; đẩy nhanh thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa; thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Nhà nước kiến tạo cần có các đối tác đồng hành là cộng đồng DN sáng tạo và có trách nhiệm.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam là thị trường tiêu thụ. Thiết nghĩ, chúng ta cần phát động những tháng cao điểm (ít nhất từ nay đến cuối năm) phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” để tiếp sức cho DN Việt. Cuối cùng, để triển khai có hiệu quả và cộng hưởng được nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, DN trên mặt trận phục hồi kinh tế sau dịch, đề nghị thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ là trưởng ban chỉ đạo.