Tản mạn chữ Tình

Tản mạn chữ Tình

Tình yêu từ đâu đến? Những yếu tố nào tạo nên tình yêu? Tình yêu có thể soi rọi qua lăng kính khoa học để xem những thành tố li ti của nó ẩn chìm bên trong? Con người có thể sống không cần tình yêu?... Những câu hỏi đã tồn tại hết thế kỷ này sang thế kỷ khác và bây giờ, khi thế giới đã phát triển từ thời cung nỏ lên tàu vũ trụ, nhân loại vẫn lặn ngụp vất vả kiếm tìm những câu hỏi về tình yêu...

Tình yêu là sự hòa hợp giữa hai trái tim hòa bình. Nhưng tréo ngoe thay, để có tình yêu, người ta đã phải đấu tranh quyết liệt. Lịch sử văn minh nhân loại từng lưu lại vô số chuyện kể về nguyên nhân dẫn đến chiến tranh là tình yêu. Hàng triệu người đã mất mạng sống vì trở thành vật hy sinh cho một cuộc tình nào đó.

Tản mạn chữ Tình ảnh 1

Tình yêu gần như luôn được tô đỏ rực bằng cây bút của nhà văn và thi sĩ. Xuân Diệu từng than rằng: “Hãy để cho tôi được giã từ/ Vẫy chào cõi thực để vào hư/ Trong hơi thở chót dâng trời đất/ Cũng vẫn si tình đến ngất ngư”. Trong khi đó, Maxim Gorky phán: “Tình yêu là thơ ca của cuộc đời. Sống không có tình yêu chỉ là sự tồn tại về mặt thể xác”.

Tuy nhiên, chẳng phải ai cầm bút cũng tán tụng tình yêu. Đại văn hào Ireland James Joyce rất cụ thể khi cho rằng tình yêu chẳng khác gì cái chai và cái nút, cứ nút vào kín chai thì coi như được rồi. Thậm chí, nhà văn Louis Tessier du Cross còn xem thường tình yêu đến độ cho rằng thiên hạ ngày nay đâu có yêu thương gì nhau, nhất là từ khi cái “fécmơtuya” được sáng chế! Đại thi hào Shakespeare thì lại khác. Không tán tụng tình yêu và cũng chẳng cụ thể hóa nó, Shakespeare thích nhìn tình yêu với đôi mắt bi quan của triết gia: “Tình yêu là làn khói được tạo ra từ làn hơi thở dài...”.

Với nhà khoa học thì khác nữa. Kết luận của họ: tình yêu chẳng là cái gì bí hiểm cả mà đơn thuần được “phát sinh” bởi các hóa chất! Cơ sở đi đến quả quyết trên được chứng minh rõ ràng: trong thiên nhiên, bọn động vật yêu nhau khi ngửi thấy hương tình của kẻ “khác phái”.

Hương tình này chính là chất hóa học mang tên pheromones. Thế là, các nhà khoa học tìm cách chơi khăm người ta bằng cách chế ra thứ “bùa yêu” rất tai quái: sản xuất nước hoa chứa toàn pheromones, cho “tụi nó chết hết ráo vì tình yêu!”. Nhưng mãi đến nay, chưa có báo cáo y học nào trên thế giới cho thấy có nạn nhân tử vong vì pheromones. Gần đây, một công trình đã gây chấn động giới khoa học: không cần sản xuất pheromones lấy từ thiên nhiên nữa bởi pheromones tồn tại ngay trên cơ thể người.

Các bác sĩ tin chắc như bắp rang rằng mồ hôi chứa toàn pheromones. Sau thời gian dài nghiên cứu và phân tích mồ hôi, họ rút ra được công thức chính để pha chế... mồ hôi nhân tạo (tất nhiên phải chứa nồng độ pheromones thật đậm đặc). Sau đó, họ cho đóng chai thứ mồ hôi này, đem tiếp thị và bán với giá gần 100 USD/lọ.

Kết quả thật đáng khích lệ: ai đang yêu càng yêu tợn và kẻ nào vốn thờ ơ với tình yêu bỗng nổi hứng yêu như khùng. Ngay lập tức, các hãng mỹ phẩm mua công thức chế mồ hôi pheromones nhân tạo để pha vào các sản phẩm của mình. Từ đó, son môi, kem chống nắng, nước sơn móng tay và thậm chí chì kẻ mắt đều nồng nặc mùi pheromones.

Nếu pheromones là hóa chất kích thích gọi mời tình yêu thì endorphins là chất giúp gìn giữ tình yêu. Ngặt nỗi, endorphins chỉ xuất hiện trong cơ thể khi quan hệ giữa hai người đã khắng khít, có khi vài tháng hoặc cũng có lúc vài năm. Không có mặt trong mồ hôi, endorphins chỉ được sản sinh từ não khiến người ta cảm thấy ấm áp, nồng nàn, an toàn, tin tưởng nhau, cần nhau và tất nhiên là yêu nhau.

Y hệt narcotic, endorphins làm cho tâm trí nhẹ nhõm, như thể đầu óc đang bồng bềnh ngoài Thái Bình Dương... Nhưng tình yêu đâu phải chỉ được hình thành từ hóa chất. Đôi khi, có một lực hút cực mạnh vô cùng bí hiểm. Tuy thế, các nhà khoa học lại khinh khỉnh cái khái niệm “bí hiểm” này và cho rằng đó chẳng qua là do “các vết tích ký ức” trong tiềm thức. Cách thức nàng đi khiến cho chàng nhớ đến hình ảnh người chị; cái ngôi rẽ tóc của chàng sao “giống ông nội mình quá”... Hai ví dụ này cho thấy đó chính là “vết tích ký ức”.

Thực dụng hơn, có bác sĩ phân tâm học cho rằng chính cái đồng hồ Rolex hoặc đôi giày Dr. Martens mới là “kích thích vật” mạnh mẽ của tình yêu. Ngài David Buss thuộc Đại học Michigan, tác giả quyển The evolution of desire (Sự tiến hóa của ham muốn), cũng nhất trí như vậy sau khi quan sát 37 nền văn hóa trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, chẳng ai muốn “khoa học hóa” tình yêu cả. Thậm chí, dưới mắt triết gia, tình yêu là điều gì đó rất thiêng liêng. Karl Marx từng nói: “Hãy chấp nhận con người như tự thân của anh ta và hãy chấp nhận mọi tương quan của con người với vũ trụ như là sự quan hệ với một con người thật sự. Người ta chỉ có thể dùng tình yêu để đổi lấy tình yêu, niềm tin đổi lấy niềm tin...”.

Trong Sâdhanâ, văn sĩ-triết gia Rabindra Nâth Tagore đã ngợi ca tình yêu như sau: “Trong tình yêu, tất cả mâu thuẫn của cuộc sống đều tiêu tan và biến mất. Duy nhất trong tình yêu, nhất nguyên với nhị nguyên không đối kháng nhau. Tình yêu vừa là một lại vừa là hai...”. Dù gì đi nữa, tình yêu là khái niệm không có định nghĩa trọn vẹn và có một điều chắc chắn rằng con người sống không thể thiếu tình yêu! 

THÁI NGUYỄN NGỌC NGÀ

Tin cùng chuyên mục