Chày cối chẳng biết có từ bao giờ. Đại khái đến đời vua Hùng thì chắc hẳn những dụng cụ này đã được người Việt chế tạo và sử dụng đến mức nghệ thuật. “Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rộn ràng…” (Qua Thậm Thình-Nguyễn Bùi Vợi).
Bằng chứng truyền thuyết vua Hùng sai người dựng trại giã gạo làm bánh ở ngã ba Thậm Thình có thể chưa đáng tin cậy lắm, nhưng những hình khắc nổi trên trống đồng Đông Sơn có trước vua Hùng hàng mấy thế kỷ cũng đã xuất hiện những cảnh sinh hoạt giã gạo rất sinh động. Một nền văn minh lúa nước lâu đời được chứng minh cụ thể từ khâu gieo lúa, chăm sóc, gặt hái cho đến chế biến thành hạt gạo.
Minh họa: K.T.
Chiếc cối có nhiều loại nhưng chủ yếu dùng vào hai việc: xay và giã lương thực, thực phẩm. Cối xay có hai thớt dùng cần quay hoặc giàn cối mà kéo. Cối đá xay ngô, đỗ, bột gạo. Cối đóng bằng đất xay lúa. Ông phó cối chế tạo loại cối này là thành phần được vì nể. Đan thân cối, đẽo trục cối, làm tai cối, nện đất sét thật chặt vào hai thớt cối. Chẻ dăm cối bằng gỗ nhãn. Đóng dăm cối theo hàng lối tỉ mỉ. Cuối cùng là làm giàn cối. Cơm rượu ăn ở trong nhà chủ cả tháng trời mới làm xong một chiếc cối xay. Miền ngược sẵn gỗ, người ta đóng áo cối bằng gỗ. Có thể truyền nhiều đời vẫn dùng tốt. Chỉ thỉnh thoảng phải đóng lại dăm cối.
Cối giã dùng chày. Nông thôn Việt Nam chưa xa lắm còn phổ biến dùng các loại cối giã bằng đá, bằng gỗ, bằng sành tùy theo công việc mà sắm kích cỡ. Cối đá đại đục đẽo bằng đá xanh nguyên khối dùng để giã gạo, ngày mùa úp xuống làm chỗ đập lúa, ngày thường có thể dùng giã thân cây chuối cho heo ăn. Cối giã cua bằng sành còn gọi là cái lon. Vùng Kinh Bắc - Thổ Hà, Phù Lãng sản xuất loại lon giã cua này. Thỉnh thoảng cũng có người trên Hương Canh mang lon giã cua về Hà Nội bán. Thời chiến tranh, ở thành phố nhà nào cũng phải mua một cái thay cho chiếc cối đá nặng nề trước đó.
Chày gỗ chỉ có hai loại thôi, một loại giã được hai đầu và loại kia một đầu. Vì chủ yếu dùng để giã thực phẩm nên không bao giờ có chày bằng gỗ lim độc hại. Người ta chuộng nhất là chày bằng gỗ mít, gỗ nhãn. Cối giã gạo dùng chày đạp chân gắn trên cây gỗ dài, đầu chày đánh khoen sắt cho khỏi vỡ. Công việc này chủ yếu phụ nữ nông thôn đảm nhận. Giã được cối gạo chẳng mệt nhọc gì mấy nhưng đòi hỏi kiên nhẫn. Và thỉnh thoảng các bà vẫn ngủ gật đạp cả chân xuống rãnh cối. Mấy anh thợ giã giò bên làng Ước Lễ bắp tay cuồn cuộn cùng một lúc sử dụng hai chày thi nhau phóc phách, rút được cái chày ở cối thịt thăn nhuyễn dính còn mất sức hơn đâm nó xuống. Vùng Kẻ Bưởi - Hà Nội dùng cối chày vào việc giã vỏ cây dó làm giấy. Tiếng chày đã đi vào câu ca dao lộng lẫy cảnh sắc Tây Hồ, “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mảnh gương Tây Hồ”.
Tưởng như những vật dụng quan trọng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày sẽ tồn tại mãi mãi mà không phải. Cơn lốc công nghệ trong vòng hơn chục năm nay đã quét đi gần hết những chày cối ở thành thị. Ra chợ mua cua đồng, người bán sẽ lột cua cho vào cối xay quay tay. Đảm bảo không còn cảnh mẹ chồng dạy con dâu giã cua phải dùng cái rá vo gạo mà che mặt cho khỏi bắn. Giò chả sản xuất trong các làng nghề quanh Hà Nội cũng xay máy từ lâu rồi. Các gia đình Hà Nội ai cũng có trong nhà ít nhất hai chiếc cối xay điện. Một để xay sinh tố và một để xay thịt. Tiện thì có tiện đấy nhưng ăn bát canh cua sạn ngấm sạn ngầm hăng nồng mùi vỏ đá vôi. Giò chả vừa ăn vừa nhả bã cứ như anh trọc phú nhà quê mới giàu là bởi giò xay bằng máy chính thức chỉ đáng gọi là bã giò mà thôi. Mua miếng thịt nạc ngoài chợ về xay máy quấn chả lá lốt rán lên khô đét bí rị. Ở nông thôn bây giờ chỉ cần một chiếc máy xay xát cắm điện thôi là thay thế cho cả cối xay lúa lẫn cối giã gạo. Các chị tha hồ “vừa xay lúa vừa ẵm em” mà chẳng cần phải thở than gì cả.
Những vật dụng gắn bó thân thương với đời sống người Việt hàng ngàn năm thường trở thành những tính ngữ hoặc ẩn dụ so sánh. “Cãi chày cãi cối” là một thành ngữ như vậy. Nó nói về độ trơ trẽn tráo trở của con người bao biện cho cái sai của mình. Nhà thơ Nguyễn Khuyến dùng thành ngữ ấy một cách đầy ý nhị: “Còn một nỗi này thêm chán ngắt/ Đi đâu giở những cối cùng chày”. Dĩ nhiên ông nói về việc thật là “Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay…” nên luôn phải có cái cối giã trầu bên mình. Nhưng cũng không quá khó để nhận ra nụ cười tự trào của ông khi thấy “người già luôn đúng” một cách “chày cối”.
ĐỖ PHẤN