Qua thẩm tra đề án của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh này, đã giảm được 2 ĐVHC cấp huyện và 182 ĐVHC cấp xã.
“Hồ sơ các đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ. Các đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng lưu ý, căn cứ vào hồ sơ của 11 tỉnh trình đợt này, có 3 ĐVHC cấp huyện và 24 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp, Ủy ban Pháp luật đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với 2 trường hợp cấp huyện (huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ) và 16 trường hợp cấp xã. Đối với thị xã Quảng Trị và 8 ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo địa phương tiếp tục quán triệt và nghiêm túc, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp các ĐVHC.
Bên cạnh đó, trong số 11 tỉnh đề nghị sắp xếp lần này, số lượng các ĐVHC sau sắp xếp mà chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định là khá lớn (76 đơn vị). Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ lưu ý, quán triệt trong quá trình chuẩn bị đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hướng dẫn địa phương xây dựng phương án bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, tránh trường hợp phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau, gây ảnh hưởng, xáo trộn, mất tính ổn định của ĐVHC.
Riêng với trường hợp thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông, Chính phủ cho biết, tỉnh Đắk Nông đã đồng ý chủ trương cho tập đoàn FLC nghiên cứu, thực hiện dự án khu đô thị mới bờ Đông hồ Gia Nghĩa quy mô 263 ha (trong đó phần diện tích xã Quảng Thành gần 100 ha). UBND tỉnh Đăk Nông đã giao Sở Xây dựng tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2000 phường Nghĩa Đức với diện tích khoảng 1930 ha (trong đó phần diện tích xã Quảng Thành gần 500 ha).
Hiện nay, UBND thị xã đã thực hiện nhiều dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Quảng Thành như: Dự án đường tránh đô thị Gia Nghĩa đoạn qua xã Quảng Thành; dự án đường đối ngoại ổn định dân di cư tự do xã Quảng Thành; Đường thôn Nghĩa Tín; Đường Thôn Nghĩa Tín xã Quảng Thành đi phường Nghĩa Đức; Đường thôn Nghĩa Hòa đến đường đối ngoại xã Quảng Thành; Nâng cấp, cải tạo đường từ Trung tâm xã đến thôn Nghĩa Tín; Hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước các tuyến đường chính của xã; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (nhà hiệu bộ, nhà đa năng) trường THCS Nguyễn Chí Thanh. Các dự án trên được đầu tư với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng.
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông, song đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Đắk Nông báo cáo, giải trình thêm về định hướng xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực dự kiến thành lập phường Quảng Thành vì có diện tích tự nhiên lớn (77,59 km2, bằng tới 1.410% tiêu chuẩn quy định).