Tăng công suất xử lý chất thải nguy hại

Năm 2015, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 300 - 600 tấn/ngày. Trong khi công suất xử lý loại chất thải này rất hạn chế. Điều này khiến cho môi trường thành phố có nguy cơ bị ô nhiễm nặng do lượng lớn chất thải bị lén lút thải bỏ ra ngoài.
Tăng công suất xử lý chất thải nguy hại

Năm 2015, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 300 - 600 tấn/ngày. Trong khi công suất xử lý loại chất thải này rất hạn chế. Điều này khiến cho môi trường thành phố có nguy cơ bị ô nhiễm nặng do lượng lớn chất thải bị lén lút thải bỏ ra ngoài.

Thiếu hạ tầng tiếp nhận và xử lý

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, năm 2015, lượng chất thải nguy hại của thành phố tăng cao. Thực trạng này đã được dự báo cách đây nhiều năm nhưng công tác chuẩn bị cho hoạt động thu gom và tiếp nhận vẫn chưa thể đáp ứng kịp. Trên thực tế, năm 2012 - 2013 đã xảy ra tình trạng giá xử lý chất thải tăng cao. Có những thời điểm doanh nghiệp bị buộc phải trả chi phí thu gom và xử lý lên đến 40 triệu đồng/tấn chất thải nguy hại thay vì từ 2,5 - 12 triệu đồng/tấn chất thải. Nguyên nhân cũng đã được xác định là do thiếu hụt nghiêm trọng đơn vị có chức năng thu gom và xử lý chất thải nên doanh nghiệp bị ép giá. Vào thời điểm đó, thành phố đẩy mạnh công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhưng cho đến nay số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này còn hạn chế. Gần đây nhất, thành phố đã phê duyệt chủ trương cho phép đầu tư hai nhà máy xử lý chất thải nhưng cho đến nay vẫn chưa đi vào vận hành.

Rất khó để phát hiện nếu chất thải nguy hại bị trộn lẫn vào chất thải thông thường. (Ảnh thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển Tân Hóa).

Không dừng lại đó, theo ý kiến của nhiều cơ sở đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải nguy hại cho biết, hiện thành phố chưa có bãi chôn lấp an toàn dành cho loại chất thải này. Trong thành phần chất thải nguy hại có những loại xử lý được bằng biện pháp đốt nhưng không ít loại chất thì xử lý bằng biện pháp đốt sẽ độc hại nhiều hơn. Trong danh mục hướng dẫn xử lý chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cũng đã hướng dẫn rõ loại chất thải nào cho phép xử lý bằng phương pháp đốt và loại chất nào phải hóa rắn và chôn lấp an toàn. Mặt khác, lượng tro thải sau khi xử lý chất thải nguy hại bằng phương pháp đốt cũng phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Thế nhưng, tại TPHCM cho đến nay vẫn chưa có bãi chôn lấp an toàn chất thải nguy hại. Hiện lượng lớn chất thải nguy hại không thể xử lý bằng phương pháp đốt hoặc tro đốt chất thải nguy hại đang tồn đọng rất lớn tại các cơ sở sản xuất. Thực trạng này kéo dài khiến nhiều cơ sở xử lý không đủ khả năng lưu chứa và phải lén lút thải bỏ ra ngoài.

Chỉ mới giải quyết 20% khối lượng chất thải nguy hại phát sinh

Tính cho đến nay, trên toàn địa bàn thành phố có khoảng gần 30 cơ sở có chức năng xử lý chất thải nguy hại. Thế nhưng, quy mô xử lý nhỏ, rất nhỏ, khoảng vài tấn/ngày. Duy chỉ có Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý chất thải có quy mô công nghiệp, có khả năng tiếp nhận và xử lý 21 tấn/ngày. Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, để đảm bảo công tác xử lý chất thải nguy hại cho thành phố, công ty vừa tiến hành đầu tư tăng công suất xử lý chất thải nguy hại từ 21 tấn/ngày lên 40 tấn/ngày. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng với công suất tiếp nhận và xử lý trên thì chưa thể nào đáp ứng yêu cầu lượng chất thải nguy hại phát sinh hiện nay trên địa bàn của thành phố. Tuy nhiên, nếu tăng hơn nữa công suất xử lý trong khi thành phố chưa phê duyệt xây dựng bãi chôn lấp an toàn cũng rất khó để công ty đảm bảo công tác hậu xử lý.

Có thể thấy, ngay cả khi tính tổng lượng chất thải nguy hại được tiếp nhận và xử lý tại TPHCM thì cũng chỉ chiếm được trên 20% lượng chất thải nguy hại phát sinh. Vậy số còn lại đi đâu? Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, với lượng doanh nghiệp ít ỏi đang xử lý chất thải nguy hại, các doanh nghiệp sản xuất đang phải chi trả mức phí xử lý cao hơn mức phí thực mà họ cần trả. Vậy thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ không thể đảm được mức phí chuyển giao, xử lý loại chất thải này nên họ sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm tuồn chất thải nguy hại ra ngoài mà không phải trả chi phí hoặc phải trả nhưng với giá rất thấp. Đơn cử như họ sẽ lén thải bỏ ra ngoài môi trường; hoặc trộn lẫn chất thải nguy hại vào chất thải công nghiệp không nguy hại hoặc chất thải sinh hoạt để phải trả chi phí chuyển giao như chất thải thông thường, khoảng 1/10 giá thành chuyển giao chất thải nguy hại.

Trên thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều lượng chất thải nguy hại bị các công ty lén lút thải bỏ dọc các tuyến đường quận 7, 8, Bình Chánh, Bình Tân, quận 12. Nếu tình trạng này không sớm khắc phục, hạ tầng thu gom xử lý chất thải nguy hại không được quan tâm đầu tư đúng mức thì ô nhiễm môi trường thành phố khó mà cải thiện được theo đúng mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường năm 2015.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục