
Đồng thời, mời các chuyên gia quốc tế sang Vườn quốc gia Tràm Chim đào tạo tại chỗ cho toàn bộ nhân viên kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, giúp đội ngũ cán bộ Vườn quốc gia Tràm Chim có thể làm chủ hoàn toàn quy trình chăm sóc, nhân nuôi và bảo vệ đàn sếu ngoài tự nhiên.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ kiện toàn ban điều hành đề án và các tổ chuyên môn thuộc ban điều hành đề án. Đồng thời, hoàn thiện các phương án vận chuyển sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim đợt 2 năm 2026. Theo đó, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ tiếp nhận sếu và khởi động tái thả sếu về thiên nhiên.
Trước đó, Vườn quốc gia Tràm Chim tiếp nhận 6 cá thể sếu, sau đó, sếu được nuôi nhốt, thực hiện đúng theo hướng dẫn của các chuyên gia tại Thái Lan cũng như tư vấn của Hội Sếu quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, qua thời gian tiếp nhận và chăm sóc, cơ bản các cá thể sếu thích nghi với điều kiện chăm sóc tại đơn vị. Tuy nhiên, có 1 cá thể đã tử vong.
Kết quả giải phẫu, phân tích của ngành chức năng cho thấy, sếu chết không bị chấn thương, viêm nhiễm, ký sinh trùng nội tạng. Nguyên nhân được xác định là suy nhược cơ thể dẫn đến giảm sức đề kháng và khả năng thích nghi.