(SGGP).- Ngày 2-12, tại tỉnh Bình Dương, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai họp đánh giá kết quả triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, xây dựng các giải pháp, kế hoạch triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường sông Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đến nay toàn bộ 11/11 tỉnh, thành dọc theo lưu vực sông Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án bảo vệ môi trường sông Đồng Nai trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện công tác bảo vệ môi trường sông Đồng Nai giai đoạn 2011-2015. Hiện hệ thống quan trắc để phát hiện ô nhiễm môi trường nguồn nước đã được triển khai tại 11 tỉnh, thành.
Thời gian qua, các địa phương cũng đã quan tâm, xem xét kỹ lưỡng các dự án đầu tư dọc theo sông Đồng Nai, đối với những dự án gây ô nhiễm môi trường thì kiên quyết không cấp phép. Đây là tín hiệu tốt trong công tác bảo vệ môi trường. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai đã được cải thiện. Sông Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 18 triệu người của 11 tỉnh, thành. Do đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường hơn nữa các giải pháp bảo vệ môi trường sông Đồng Nai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong việc triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Tuy nhiên, sông Đồng Nai đang chịu áp lực rất lớn từ việc xả thải của các công ty, xí nghiệp nằm dọc dòng sông trong khi công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Do đó, cần xem công tác bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương.
L. LONG