TPHCM có hệ đa đạng sinh học (ĐDSH) rất phong phú bao gồm 1.515 loài thực vật và gần 600 loài động vật… Tuy nhiên, cũng như nhiều khu vực khác, TPHCM đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm trầm trọng các hệ sinh thái giàu ĐDSH.
Ô nhiễm môi trường làm biến dạng đa dạng sinh học
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ô nhiễm môi trường đã và đang tác động nhiều đến ĐDSH. Ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm vi sinh tại hầu hết các kênh và đang có chiều hướng ngày càng tăng, bên trong chứa nhiều chất độc hại (nhất là kim loại nặng và hóa chất độc hại khó phân hủy) nhưng chỉ khoảng 60% trong số đó được xử lý sơ bộ trước khi đưa vào hệ thống chung. Mặt khác, dòng chảy của hệ thống kênh rạch lại bị thu hẹp do hàng ngàn hộ dân lấn chiếm và xả rác nên môi trường nước càng ô nhiễm nặng nề, trở thành môi trường chết. Ngoài ra, một số lượng nước thải lại chảy vào rừng ngập mặn Cần Giờ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây. Trong khi đó, đất là môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật, nhất là thực vật, nên khi đất bị ô nhiễm thì tất yếu chúng cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Sự ô nhiễm đất nhiều khi có thể làm thay đổi cả một hệ sinh thái. Thêm vào đó, TPHCM là nơi tập trung hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất lớn nhỏ cùng một số lượng lớn phương tiện giao thông nên có lượng khí thải dày đặc và độc hại, gây bệnh về đường hô hấp cho các loài động vật, gây hiện tượng mưa acid, làm chua đất, giảm độ pH trong đất, ảnh hưởng trực tiếp đến ĐDSH, nhất là đối với sinh vật sống trong đất.
Một lần cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: CAO THĂNG)
Một nghiên cứu của Viện Kỹ thuật biển Việt Nam cũng cho thấy, những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng đang tác động nghiêm trọng đến ĐDSH trên địa bàn thành phố. Cụ thể, nhiệt độ tăng cao tác động mạnh đến những vùng đất ẩm ướt, bốc hơi nhanh sẽ làm cho các vùng đất ẩm ướt nhanh chóng cạn nước trước khi mùa mưa đến, gây hiện tượng phân cắt dòng di cư. Điều này sẽ làm cho trứng, con non của các loài thuộc nhóm cá, lưỡng cư bị suy giảm. Hiện tượng này được ghi nhận nhiều ở các quận, huyện 2, 7, 9, Nhà Bè, Cần Giờ. Mưa nhiều cùng với cường độ khai thác cát trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ, kết quả các mảng thực vật tự nhiên ven hành lang sông sẽ bị thu hẹp diện tích hoặc bị biến mất. Thay vào đó sẽ là các bờ kè nhân tạo, khu dân cư đô thị mà khu hệ thực vật chủ yếu là các loài thực vật ngoại lai, cấu trúc và tổ thành này không thích hợp cho các loại động vật hoang dã bản địa tồn tại. Trong khi đó, nếu mực nước biển dâng, trước tiên TPHCM sẽ mất dần Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; việc di dời các khu dân cư, các công trình sẽ cần thêm đất đai, thay đổi sử dụng đất. Các khu đất ngập nước tự nhiên ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, 9, 2 sẽ được trưng dụng. Điều này sẽ thu hẹp các quần cư của các loài động thực vật ở thành phố.
Đồng bộ các giải pháp
Theo PGS-TS Lương Văn Thanh, quyền Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển Việt Nam, hiện nay, ĐDSH đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh, bằng các hoạt động của mình, con người đã gây mất hàng loạt các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước; diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Việc thành lập hệ thống các khu bảo tồn là bước đi rất quan trọng trong việc bảo tồn các loài, quần xã sinh vật và hệ sinh thái. Thành phố phải xây dựng được một hệ thống khu bảo tồn góp phần tăng cường ĐDSH cho thành phố trên cơ sở phát triển mảng xanh đô thị gắn kết ĐDSH với cải thiện môi trường; cần thiết và quan trọng phải có những khu đất ngập nước; hoàn thiện việc nghiên cứu một hệ thống quản lý nguồn gene nông nghiệp, làm cho thành phố trở thành một trong những nơi trọng điểm cho việc quản lý bảo tồn các nguồn gene nông nghiệp và quản lý các sản phẩm biến đối gene nhằm hỗ trợ cho chiến lược phát triển nông nghiệp quốc gia trong giai đoạn hội nhập kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng cho biết, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ ĐDSH trên địa bàn thành phố, chúng ta cần đẩy mạnh việc giảm thiểu và tránh tối đa các tác động của hoạt động phát triển đô thị hóa; Phục hồi các khu vực tự nhiên bị tổn hại; Nâng cao ý thức người dân về việc giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh: như ngăn cấm việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng và tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường vào học đường; nạo vét kênh rạch và xây bờ kè làm giảm ô nhiễm môi trường; xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở các nhà máy để làm giảm ô nhiễm ở kênh rạch và sông hồ. Ngăn chặn việc đánh bắt cá theo kiểu tận diệt (dùng lưới mắc nhỏ và đánh bắt vào mùa sinh sản), bảo vệ và nuôi trồng động thực quý hiếm để bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn TPHCM.
MINH HẢI