Tăng cường kiểm tra xe khách biến tướng

Tăng cường kiểm tra xe khách biến tướng

Tuyến đường Trần Phú và đường Lê Hồng Phong thuộc quận 5 và quận 10 (TPHCM) đang là trọng điểm tuần tra, kiểm soát của lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải (GTVT) tập trung vào xe khách hoạt động biến tướng.

        15 ngày xử lý 92 vụ

Ngày 8-5-2013, Thanh tra GTVT ban hành kế hoạch tăng cường, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách ở khu vực đường Trần Phú và đường Lê Hồng Phong. Hai ngày sau, ngày 10-5, một trong những vụ việc đầu tiên đã được phát hiện, xử lý. Chiếc xe khách của hãng Kim Mã, BS 64H-7313 chạy theo lộ trình Bến xe miền Tây - Vĩnh Long đã bị lực lượng Thanh tra GTVT lập biên bản xử lý vì lỗi không có hợp đồng vận chuyển. Nơi xảy ra vụ việc trên đường Trần Phú đoạn thuộc phường 8 quận 5. Ngày 20-5, trên đường Lê Hồng Phong, xe khách Hoàng Anh biển số 85B-000.79 chuyên chạy tuyến Ninh Thuận - TPHCM bị lập biên bản, xử lý vì lỗi đón khách không đúng nơi quy định. Số tiền phạt nộp về ngân sách nhà nước từ hai vụ việc này là hơn 3 triệu đồng.

Xe đón khách trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Xe đón khách trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Đó chỉ là 2 trong tổng số 92 vụ việc đã được lực lượng Thanh tra GTVT phát hiện, xử lý kể từ khi bắt đầu kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách tại khu vực đường Trần Phú - Lê Hồng Phong những ngày qua. Trong số các lỗi vi phạm, đứng hàng đầu là đón khách không đúng nơi quy định. Tiếp theo là các lỗi dừng đỗ xe trái quy định, không có danh sách khách hợp đồng vận chuyển theo quy định, vi phạm không chạy đúng lịch trình, hành trình vận tải theo đăng ký, để hàng hóa trong khoang chở hành khách… Tổng cộng số tiền đề xuất phạt là hơn 110 triệu đồng và 88 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.

Đội trưởng Đội 1 Thanh tra GTVT Đàm Phan Phát, đơn vị nòng cốt thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra này, nhận xét rằng vẫn còn một bộ phận không ít các bác tài xe khách chạy sai hành trình, lịch trình. Ví dụ xe chạy tuyến Mỹ Tho - TPHCM thì phải kết thúc hành trình ở Bến xe miền Tây thế nhưng xe khách lại chạy vào trong nội thành hoặc xe xuất bến từ Bến xe miền Tây ra thì phải rẽ trái để về các tỉnh miền Tây nhưng lại rẽ phải về phía nội thành! Tương tự, theo lịch sắp xếp, lẽ ra xe xuất bến lúc 10 giờ nhưng sau thời điểm đó vẫn thấy xe chạy loanh quanh trong nội thành.

Một điểm đáng chú ý khác là tình hình hoạt động xe dù, bến cóc tại thành phố đã ít nhiều bớt lộ liễu, hoành hành hơn trước. Tất cả các điểm nóng xe dù lâu nay, đặc biệt các bến xe cửa ngõ ra vào thành phố như Bến xe miền Đông, Bến xe An Sương, Bến xe miền Tây, Bến xe ngã tư Ga… đều có chung hiện tượng ấy.

        Biến tướng

Có nhiều lý giải khác nhau cho hiện tượng dường như im ắng gần đây của giới xe dù, bến cóc. Phó Chánh Thanh tra GTVT Lê Hồng Việt, người có nhiều năm lăn lộn trong nghề, cho rằng sự chùng lắng của xe dù, bến cóc thời gian gần đây một phần là do lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra xử phạt gắt gao, trong đó đặc biệt hiệu quả nhờ sự phối hợp hoạt động của nhiều bộ phận: công an khu vực, thanh tra GTVT, cảnh sát giao thông…

Ngoài ra là một loạt nguyên nhân khác như bản thân các bến xe đầu mối đã tổ chức tốt hơn khâu phục vụ hành khách; sự phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tỉnh mà điển hình là hiện nay tất cả các trọng điểm lân cận thành phố đều đã có luồng tuyến xe buýt phục vụ như tuyến Lê Hồng Phong - Biên Hòa (Đồng Nai), tuyến Chợ Lớn - thị xã Tân An (Long An), tuyến Sài Gòn - Lái Thiêu (Bình Dương), tuyến Sài Gòn - Mộc Bài (Tây Ninh)… Luồng tuyến buýt liên tỉnh đa dạng, giá vé mềm phù hợp túi tiền đa số người lao động nên xe buýt liên tỉnh đã vô hình trung hút hết khách đi xe dù, nhất là đối với các chặng đường ngắn.

Nếu kết luận xe dù đã hoàn toàn bỏ cuộc chơi, chấp nhận chuyển nghề thì e rằng hơi vội vã. Có chăng chỉ là xe dù giờ đây đã bị buộc phải biến tướng để thích nghi với điều kiện hoạt động mới. Cái gọi là “đổi mới phương thức hoạt động” của xe dù, đó là chuyển sang phục vụ đón khách tận nhà hay tại địa điểm do khách hàng chỉ định, thay vì khách phải tự ra đứng ở ngoài lề đường ngoắc xe dù như trước kia. Trường hợp ở Bến xe miền Đông là một ví dụ. Mặc dù xe dù bến cóc đã giảm đáng kể chung quanh bến xe đầu mối này, nhưng đó là tính từ cầu Bình Triệu trở vào nội thành trong khi phía cầu Bình Triệu trở ra vẫn tấp nập.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục