Tăng cường xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa

Khoảng 200.000m³ đất và 40.000m³ bùn bị nhiễm dioxin vượt ngưỡng cần xử lý. Thế nhưng, giải pháp nào để xử lý triệt để loại chất thải này tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai và các vùng dân cư lân cận thì các cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn. 
Tăng cường xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa

Khoảng 200.000m³ đất và 40.000m³ bùn bị nhiễm dioxin vượt ngưỡng cần xử lý. Thế nhưng, giải pháp nào để xử lý triệt để loại chất thải này tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai và các vùng dân cư lân cận thì các cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Khảo sát thực tế hiện trạng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa cho thấy, có khoảng 200.000m³ đất và 40.000m³ bùn bị nhiễm dioxin vượt ngưỡng cần xử lý. Không chỉ vậy, hiện độ thấm sâu và lan ra của dioxin trong sân bay Biên Hòa đã diễn biến phức tạp hơn do trước đây trong thời gian chiến tranh thường xuyên xảy ra các sự cố chảy tràn chất dioxin. Cộng với hệ thống ao hồ trong sân bay Biên Hòa lại khá phức tạp nên khối lượng đất cần xử lý có thể vượt xa so với tính toán trên.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến (bìa phải) cùng đoàn công tác kiểm tra việc xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai.

Theo Đại tá Phạm Trường Sơn, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370, trong thời gian qua đã có các đoàn trong nước và quốc tế đến khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm chất dioxin tại sân bay Biên Hòa. Kết quả cho thấy tình trạng ô nhiễm trên diện rộng rất nặng. Chỉ tính riêng khu Z1 mà Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đang xử lý bằng biện pháp chôn lấp, cô lập, đã chiếm diện tích 4,3ha. Còn khu vực do Văn phòng Ban chỉ đạo 33 tổ chức vây quanh, ngăn chặn không để dioxin lan ra khu vực xung quanh trải rộng trên diện tích khoảng 15ha…

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, sân bay Biên Hòa là một trong 3 điểm nóng ô nhiễm dioxin trong toàn quốc. Tại sân bay này, có 3 khu vực ô nhiễm nặng, đó là khu Z1, khu Pacer Ivy, một số hồ phía Bắc và phía Đông sân bay. Để góp phần xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, trong thời gian qua, với dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng tại Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tài trợ, công trình đã ngăn chặn lan tỏa tạm thời tại sân bay Biên Hòa ở khu Pacer Ivy và một số hồ ở các khu phía Bắc, phía Đông sân bay. Riêng công trình tại khu Pacer Ivy có tác dụng chính là ngăn chặn nước sạch không chảy vào khu ô nhiễm và đảm bảo cho 10ha khu vực ô nhiễm không phát tán ra bên ngoài, ít nhất trong 10 năm đến khi có thể xử lý xong ô nhiễm tại sân bay. Hiện Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang tiến hành lập kế hoạch thực hiện đánh giá tác động môi trường tại sân bay Biên Hòa và dự kiến đến năm 2016 thì hoàn thành.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn để loại bỏ các chất độc trong thời chiến tranh để lại, đặc biệt là dioxin. Trong thời gian qua đã có những nỗ lực trong việc xử lý dioxin bằng cách chôn lấp. Từ nay đến năm 2020, dưới sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ, các cơ quan chức năng sẽ cùng lên kế hoạch xử lý khối lượng dioxin còn lại ở sân bay Biên Hòa. Kế đến sẽ hoàn thành xử lý dioxin ở sân bay Phù Cát và Đà Nẵng.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục