Tăng đối thoại, ra vấn đề

Giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông không chỉ là nỗi bức xúc của các trung tâm lớn như TPHCM và Hà Nội mà còn là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu của các địa phương trong cả nước.Làm như thế nào và bằng cách nào để kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM? Ngay từ tháng 10 năm ngoái, UBND TPHCM sau khi lấy ý kiến các ban ngành, địa phương đã đề ra kế hoạch 6650, bao gồm 8 nhóm giải pháp vừa có tính chất tình thế, vừa có tính chất căn cơ.

Theo kế hoạch này, đến hết quý 1 năm 2008, thành phố phải giải quyết cơ bản được nạn ùn tắc giao thông và giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông, ít nhất trở lại như đầu năm 2007. 

Nhưng đến nay, (tháng 5-2008) nhìn lại việc thực hiện kế hoạch 6650 vẫn có những ý kiến khác nhau. Khối quản lý nhà nước tiêu biểu là Sở GTCC - đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai, theo dõi việc thực hiện kế hoạch trên thì bảo rằng, kế hoạch 6650 về cơ bản đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, minh chứng là số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương, số lần ùn tắc giao thông đã giảm so với trước. Còn các cơ quan truyền thông đại chúng, dẫn lời bạn đọc thì nhận định rằng, kế hoạch 6650 không thực hiện được, có tờ báo còn không ngại kết luận rằng coi như phá sản.

Cuộc đối thoại “Nói và làm” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sáng 4-5-2008, với sự chủ trì của bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM đã phần nào sáng tỏ vấn đề này.

Công bằng mà nói, kế hoạch 6650 tuy không thực hiện được trọn vẹn mục đích yêu cầu đặt ra, nhưng cũng có những kết quả bước đầu đáng khích lệ, trước hết cho ta những kinh nghiệm để đề ra giải pháp với tính khả thi cao hơn làm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Đúng là đối thoại, một bên là đại diện chính quyền thành phố, một bên là đại diện cử tri, dư luận xã hội, các câu hỏi và trả lời được giải đáp tức thì với sự chứng kiến không chỉ của các nhà báo trong trường quay mà của hàng triệu cử tri, người dân trước màn hình nhỏ.

Cuối cùng, chưa hẳn các câu hỏi và trả lời đã làm thỏa mãn người nghe, người trong cuộc, nhưng chí ít cũng đáp ứng một phần đòi hỏi bức xúc của người dân là trước số vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ngày càng có xu hướng không giảm thì vai trò quản lý nhà nước các cấp đến đâu? Trách nhiệm của người dân đến đâu? Từ chuyện làm việc lệch ca, lệch giờ, chấn chỉnh trật tự đô thị, lập lại trật tự lòng lề đường, phân luồng các tuyến đường, chấn chỉnh hoạt động xe buýt, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm đang chiếm dụng lòng lề đường đến việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, tăng cường tuần tra, xử phạt vi phạm giao thông… đã được bàn thảo một cách có lý, có tình.

Có thể những giải pháp ấy chưa đi vào cuộc sống ngay được, nó đòi hỏi phải có sự phối hợp một cách đồng bộ, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt sự hưởng ứng, ý thức chấp hành của người dân. Nhưng thực sự nó đã là diễn đàn dân chủ để mọi người cùng tham gia bàn việc nước. Tăng đối thoại, ra vấn đề là như thế! 

TRẦN NGUYÊN TRANG

Tin cùng chuyên mục