Thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo trong những năm gần đây liên tục gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo nước ta ước đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD; đã giảm 21,2% về lượng và 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Điều này đặt ra hàng loạt thách thức cho ngành gạo Việt Nam. Trước tình hình này, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp (DN) cho rằng cần tăng hàm lượng giá trị các sản phẩm từ gạo; tạo ra hạt gạo có chất lượng, được thế giới thừa nhận.
PGS-TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, nhận định người trồng lúa vẫn còn lao đao. Trước đây, chúng ta chủ yếu sản xuất theo mô hình nông hộ nhỏ; nhưng khi bước vào nền kinh tế thị trường lại phát sinh nhiều vấn đề. Do vậy, cần tái cơ cấu tập trung mở rộng vùng chuyên canh; ứng dụng khoa học kỹ thuật; cơ giới hóa sản xuất, giảm chi phí giá thành; giảm thất thoát sau thu hoạch, nhằm đầu tư cho nông dân mua máy móc, phục vụ sau thu hoạch. Cần quan tâm chế biến sâu để nâng cao giá trị hạt gạo; tăng sử dụng phụ phẩm như trấu, rơm rạ…
Nhiều sản phẩm gạo cao cấp có mặt tại cửa hàng tiện ích
Bàn về đẩy mạnh sản xuất gạo, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhìn nhận hiện nay hàm lượng đầu tư cho khoa học chẳng bao nhiêu. Từ năm 2001 đến nay, ngân sách cho nghiên cứu khoa học chỉ khoảng 300 tỷ đồng/năm. Để giải bài toán phát triển gạo Việt Nam, chúng ta cần trả lời được câu hỏi, Việt Nam sản xuất lúa gạo để xuất khẩu hay đảm bảo an ninh lương thực cho toàn dân? Thế giới đã sản xuất được các sản phẩm gạo bồi bổ, hỗ trợ sức khỏe, đẩy lùi một số bệnh, thì nước ta cũng nên có các sản phẩm như thế. Trong điều kiện diện tích trồng lúa liên tục giảm, biến đổi khí hậu bất lợi, cộng với yếu tố thị trường xuất khẩu ngày càng cạnh tranh gay gắt, chúng ta nên quan tâm đến chuyện lấy chất bù lượng, gia tăng giá trị cho hạt gạo. Muốn vậy thì phải tập trung kinh phí cho khâu nghiên cứu khoa học để có những hỗ trợ thiết thực cho bà con nông dân.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng lưu ý: “Nếu làm chuẩn quy trình sản xuất như gặt đúng ngày, sấy ngay, sấy đúng, sẽ cho ra sản phẩm gạo thơm, ngon từ nhà máy đến nồi cơm. Thực tế hiện nay, nhiều DN Việt Nam thường thu gom lúa với số lượng rất lớn, giữ lại trong kho. Khoảng 3 - 4 tháng sau mới đem số lúa này ra xay xát. Chính vì vậy, gạo kém thơm, thiếu độ dẻo, không ngon như gạo được xay xát ngay sau thu hoạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao có tình trạng người tiêu dùng trong nước “sính” gạo ngoại, khiến gạo Việt mất điểm tại thị trường nội địa”.
GIA HÂN