Tăng kích cầu khí sinh học để bảo vệ môi trường

Nguồn khí sinh học (KSH - biogas) của nước ta khá dồi dào và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc tận dụng khí sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn chưa hiệu quả. Điều này đã và đang gây ra sự lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn khí sinh học (KSH - biogas) của nước ta khá dồi dào và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc tận dụng khí sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn chưa hiệu quả. Điều này đã và đang gây ra sự lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Theo Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam, hiện trung bình mỗi năm có 56,2 triệu tấn chất thải nông nghiệp, 28 triệu tấn chất hữu cơ từ rác thải sinh hoạt xả ra môi trường; khoảng 0,3% trong số 17.000 các trang trại lớn tận dụng chất thải chăn nuôi tạo ra khí sinh học. Đây là con số quá ít so với mục tiêu là phải có 45% chất thải nông nghiệp phải được xử lý và quản lý trong chiến lược quốc gia của Chính phủ về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đặt ra đến năm 2020. PGS-TS Dương Nguyên Khang, Đại học Nông Lâm TPHCM nhấn mạnh, ước tính nguồn nguyên liệu để sản xuất biogas từ phân bón tại các trang trại hàng năm có thể lên đến gần 3 triệu m3 KSH. Điều này cho thấy lượng lớn khí thải biogas đang bị lãng phí và có nguy cơ đe dọa ô nhiễm môi trường.

Lý giải thực tế trên, PGS-TS Bùi Xuân An, Đại học Hoa Sen cho biết, sở dĩ nước ta chưa tận dụng được nguồn KSH trong sản xuất chủ yếu là do thiếu vốn. Các công trình này thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng khả năng hoàn vốn lâu. Trong điều kiện người chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay, việc lắp đặt hệ thống khí sinh học sẽ rất khó khả thi. Mặt khác, cơ chế chính sách của nước ta hiện nay chưa chú trọng đến việc đưa năng lượng từ khí sinh học vào ngành điện năng nên chưa khuyến khích được thành phần cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư cho lĩnh vực này. Ngoài ra, hiện công nghệ xây dựng hệ thống khí sinh học chưa được phổ biến nên nhiều đơn vị, nhiều hộ dân có điều kiện vẫn không biết tiếp cận như thế nào. Chuyên gia KSH quốc tế, Katrina Hergstrom cũng cho biết, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển KSH từ nguồn phế thải của các trang trại chăn nuôi, các nhà máy chế biến nông - lâm nghiệp, thực phẩm, rơm rạ và rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chính sách ưu đãi của nhà nước cho phát triển KSH còn thiếu, vốn đầu tư thì hạn chế, chủ yếu là từ các nguồn tài trợ. Để khai thác tối đa và có hiệu quả nguồn năng lượng KSH, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư cũng như nông dân về tài chính, đất đai, thuế.

Phát triển KSH - biogas là một trong những chiến lược nhằm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khí thải nhà kính, giúp tiêu diệt mầm bệnh trong trang trại chăn nuôi. Do vậy, để góp phần thúc đẩy sự ứng dụng khí công nghệ sinh học vào đời sống nhằm mang đến những lợi ích thực tế cho cộng đồng, cơ quan quản lý nên có những vùng thí điểm và tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu. Đồng thời, đánh giá lại tiềm năng và xây dựng quy hoạch sử dụng năng lượng sinh học thích ứng với từng vùng.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục