Tăng kinh doanh hàng hóa đạt chuẩn

Việc tiểu thương kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại khu vực chợ truyền thống, liên tục được các cơ quan chuyên trách nêu đích danh.

Vậy làm thế nào để hàng hóa bán ra đúng như cam kết, mang lại niềm tin yêu cho người tiêu dùng? Câu hỏi này đã và đang là nỗi trăn trở của ban quản lý các chợ nói riêng, cơ quan chuyên trách nói chung. 

Cuộc cạnh tranh “ngầm” 

Có một thực tế hiện nay là nhiều bà con kinh doanh tự phát buôn bán sát quầy hàng của những tiểu thương thuộc khu vực nhà lồng chợ truyền thống.

Khách mua hàng sẽ rất khó phân biệt được đâu là người bán tại chợ, đâu là người buôn bán tự do bên ngoài. Tình trạng này diễn ra phổ biến tại một số chợ ngoại thành TPHCM.

“Trên thực tế, việc quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của bà con kinh doanh tại chợ còn gặp khó khăn, chưa nói đến việc giám sát các hộ kinh doanh thuộc khu vực giáp ranh nhà lồng chợ”, một cán bộ quản lý chợ tại huyện Hóc Môn, cho biết. 

Theo đại diện Ban quản lý chợ Hóc Môn, tình trạng những điểm bán hàng tự do “mọc” lên, cạnh tranh trực tiếp với bà con kinh doanh tại chợ diễn ra thường xuyên.

Chưa kể, các mặt hàng buôn bán bên ngoài còn phong phú, giá cả rẻ hơn, cạnh tranh hơn so với các mặt hàng trong chợ nên tiểu thương kinh doanh khu vực lồng chợ gặp khó khăn.

Nguyên nhân dẫn đến sự bất hợp lý này được Ban quản lý chợ Hóc Môn chỉ ra, có tình trạng các hộ dân sinh sống quanh nhà lồng chợ cho người khác thuê mặt bằng để kinh doanh.

“Thế nhưng, họ có buôn bán hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, đóng thuế đầy đủ như các tiểu thương trong chợ hay không thì không ai rõ”, lãnh đạo Ban quản lý chợ Hóc Môn bức xúc.

Tăng kinh doanh hàng hóa đạt chuẩn ảnh 1 Khách mua hàng hóa tại chợ Hóc Môn, TPHCM

Tương tự, tại khu vực chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn), tình trạng bà con kinh doanh tự phát cũng diễn ra hàng ngày. Hoặc như các điểm kinh doanh trái cây, thực phẩm xung quanh chợ đêm Trung Mỹ Tây (quận 12) cũng vậy.

“Ghé ngay lề đường là mua được hàng. Tiện lợi thật, nhưng người mua cũng hơi run vì chẳng biết nguồn gốc, chất lượng ra sao. Dọc tuyến đường đối diện chợ đêm, nhiều xe đẩy dạo bán hàng nhan nhản, cản lối lưu thông. Hôm nào lực lượng chức năng đi dẹp được thì tốt, còn ngược lại, không ai ra dẹp là tình trạng kinh doanh lộn xộn, bát nháo lại diễn ra”, chị Nguyễn Thị Kế Sương, ngụ đường Tô Ký (quận 12), phản ánh.

Thêm nữa, cũng đang có sự cạnh tranh âm thầm nhưng không kém phần gay gắt giữa tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống với những người buôn bán tự phát bên ngoài. 

Kiểm tra, tuyên truyền thường xuyên

Ghi nhanh trên địa bàn TPHCM, phần lớn chợ truyền thống đều chủ động phối hợp cùng cơ quan chuyên trách tuyên truyền, nâng cao ý thức kinh doanh đến bà con tiểu thương theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy vậy, các hình thức này chỉ nhắc nhở, động viên là chính vì không có chế tài. 

Theo ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, trên địa bàn huyện có 13 chợ đang hoạt động ổn định. Trong đó, có 1 chợ đầu mối nông sản thực phẩm; 1 chợ truyền thống loại 2 (chợ thị trấn Hóc Môn) trực thuộc UBND huyện; còn lại là các chợ loại 3, chợ xã hội hóa.

Định hướng phát triển từ nay đến năm 2020, huyện sẽ giữ nguyên hiện trạng 4 chợ, gồm chợ thị trấn Hóc Môn, chợ Tân Mỹ, chợ Xuân Thới Thượng và chợ đầu mối nông sản thực phẩm; đồng thời sửa chữa 8 chợ, xây mới 1 chợ (chợ Đình). Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện có 16 điểm buôn bán tự phát, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… 

“Sự thuận tiện trong việc mua bán và giá rẻ dẫn tới việc hình thành các điểm kinh doanh tự phát hoạt động phức tạp; hàng hóa không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù các cơ quan chuyên trách thường xuyên phối hợp ra quân kiểm tra, xử phạt các điểm vi phạm, nhưng sau khi đoàn kiểm tra rời đi, vi phạm tái diễn. Hiện chúng tôi đang rà soát lại, kiên quyết xử lý mạnh tay hơn để chấn chỉnh những vi phạm này”, ông Đỗ Thanh Hòa cho hay.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng QLTT TP đã phát hiện, xử lý gần 30.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 54 tỷ đồng, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 11 vụ với giá trị hàng hóa vi phạm 10 tỷ đồng.

Thế nhưng, tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng gian, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Một trong các nguyên nhân được nêu ra chính là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trên địa bàn TPHCM nói riêng, nước ta nói chung.

Tin cùng chuyên mục