Tăng lương gặp khó do nguồn thu

Chưa cân đối được nguồn tăng lương
Tăng lương gặp khó do nguồn thu

Chiều 22-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Dự kiến, Chính phủ sẽ tính toán, cân đối ngân sách và nếu điều chỉnh lương sẽ báo cáo với Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013).

Chưa cân đối được nguồn tăng lương

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nếu thực hiện tăng lương theo lộ trình từ ngày 1-5-2013 với mức tăng từ 1.050.000 đồng lên 1.300.000 đồng dự kiến sẽ tiêu tốn của ngân sách 60.000 tỷ đồng. Do chưa cân đối được nguồn để cải cách tiền lương năm tới nên Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu xem xét tình hình thực tế cuối năm 2012, những tháng đầu năm 2013 và báo cáo vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 tới.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết, ngay trong Ủy ban cũng đang còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Bởi cho rằng từ năm 2003 đến nay đã 8 lần tăng lương tối thiểu. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên hoàn toàn đồng tình với Chính phủ vì chưa thể bố trí tiền cải cách lương. Chính phủ sẽ cân đối chi tiêu và căn cứ tình hình thực tế để quyết định, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Quan điểm thứ hai cho rằng trong tình hình đời sống người dân khó khăn, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương và áp dụng từ 1-7-2013. Nguồn tiền lương có thể được lấy từ các khoản tăng thu nội địa và thu từ dầu khí hoặc tiết kiệm một số khoản chi không cần thiết.

Đời sống người dân khó khăn, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương. Ảnh: CAO THĂNG

Đời sống người dân khó khăn, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng thu để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận nhiều khó khăn trong thu ngân sách năm qua và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục cho năm tới, trong đó nhấn mạnh việc thắt chặt chi tiêu công. Còn trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, khi dự toán cho năm tới, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách thu. Đặc biệt, quán triệt tinh thần không tạo gánh nặng về thuế với người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, vẫn phải đảm bảo nguồn thu để giữ vững an ninh tài chính quốc gia, tránh hụt thu lớn do điều chỉnh chính sách thuế mà chưa có phương án bù đắp. Kiên quyết không ban hành những chế độ, chính sách làm phát sinh các khoản chi chưa thật cấp bách. Với mục tiêu dự toán tăng 14,4% so với năm 2012, thấp hơn các năm, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc điều chỉnh tăng thêm 3% - 5% để tạo nguồn lực thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Về dự kiến thu ngân sách từ dầu thô, Chính phủ đưa ra mức 99.000 tỷ đồng với sản lượng 14,14 triệu tấn dầu, giá bình quân 90USD/thùng. Khoản thu lãi dầu khí nước chủ nhà thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, số thu từ dầu thô phụ thuộc chủ yếu vào giá dầu thế giới. Việc xây dựng dự toán với mức giá quá cao có khả năng dẫn đến nguy cơ mất cân đối ngân sách. Cơ quan này cũng cho rằng, Chính phủ đánh giá sâu hơn, làm rõ kết quả cũng như những bất cập trong áp dụng chính sách thu ngân sách năm 2012, nhất là việc miễn, giảm, giãn thuế.

  • Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Khi kinh tế phục hồi sẽ triển khai tăng lương

Ngân sách nhà nước hiện nay rất khó khăn, chưa bố trí được nguồn. Nếu thực hiện việc tăng lương sẽ phải cắt giảm nhiều khoản khác, ảnh hưởng đến các mục tiêu khác. Chính phủ cũng mong muốn thực hiện tăng lương đúng lộ trình đã định, nhưng chúng ta có nhiều mục tiêu đồng thời phải đạt. Không phải Chính phủ không thực hiện tăng lương mà là tạm giãn ra, khi có điều kiện, kinh tế phục hồi, nguồn thu được cải thiện thì sẽ báo cáo QH cho triển khai ngay. Theo báo cáo thì năm nay dự báo có khả năng không đạt chỉ tiêu thu ngân sách nên khả năng dùng nguồn vượt thu để tăng lương khó xảy ra.

Về một số công trình được dư luận coi là không thật sự cấp thiết (như việc xây bảo tàng quốc gia với số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng), đây là việc đã nằm trong kế hoạch từ trước và là khoản chi đầu tư, một lĩnh vực khác. Như tôi đã nói, chúng ta phải cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau.

  • Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch: Nên cắt giảm các khoản chi vô tội vạ

Tôi luôn giữ quan điểm cho rằng tăng lương cho bộ máy nhà nước để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công nhân viên chức là cần thiết, nhưng việc tăng lương phải gắn liền với nâng hiệu quả làm việc của bộ máy. Nếu không làm đồng thời cả hai việc thì xu hướng chung tăng lương có thể dẫn tới việc duy trì một bộ phận trong bộ máy đó làm việc không hiệu quả, cứ ngồi đó mà nhận lương! Thử xem từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XII, khi thực hiện sáp nhập các bộ đến nay, bộ máy tăng hay giảm? Nói nhiều lần tinh giản nhưng bộ máy ngày càng phình ra từ trên xuống dưới. Như thế thì tăng lương có tác dụng tiêu cực chứ chưa chắc đã tích cực!

Về lộ trình tăng lương, tôi cho rằng năm 2013 vẫn nên duy trì việc tăng lương, nhưng ngoài lương và trợ cấp xã hội, các khoản chi thường xuyên khác phải cắt ít nhất 10% so với thực chi 2012. Tôi thấy còn nhiều khoản chi vô tội vạ, cắt chỗ đó thì vẫn bảo đảm tăng được lương. Riêng tăng lương khu vực doanh nghiệp phải có lộ trình, ví dụ mỗi năm tăng 15% chẳng hạn, vì doanh nghiệp đang khó khăn, điều chỉnh lương không khéo sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Về chi ngân sách nói chung, chi đầu tư vẫn nên duy trì mức bội chi ngân sách như đã nêu, nhưng nên “nín” lại những gì chưa cần thiết đầu tư ngay, kể cả trụ sở các cơ quan. Nên dành vốn cho đường sá, giao thông, trường học, bệnh viện… Giải quyết những nhu cầu rất bức xúc đó trước chính là thể hiện trách nhiệm với nhân dân.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục