Tăng lượng hàng bình ổn, đảm bảo cung ứng mùa tết

Dự báo sức mua mùa tết năm nay tại TPHCM sẽ tăng so với năm ngoái và thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tâm thế không để xảy ra khan thiếu hàng, mất cân đối cung - cầu.

Theo Sở Công thương TPHCM, sức mua hàng hóa nói chung trên địa bàn đã khởi sắc rõ rệt trong những tháng gần đây. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 10-2023, theo số liệu từ Cục Thống kê TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 108.120 tỷ đồng (tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 15% so với cùng kỳ).

Với đà trên, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM dự báo, sức mua các tháng cuối năm cũng như mùa tết năm nay trên địa bàn tăng khoảng 11%-13% so với Tết Quý Mão 2023 và thành phố cũng đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết.

Tuy vậy, có một thực tế là hiện nay diễn biến giá cả nguyên vật liệu cơ bản biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. “Siêu thị nhận được yêu cầu tăng giá từ một số nhà cung cấp.

Lý do các đơn vị đưa ra là các chi phí đầu vào đều tăng như xăng dầu, nguyên vật liệu. Tuy nhiên, hiện siêu thị vẫn hướng đến đàm phán giữ giá cả ổn định tốt nhất cho thị trường, cố gắng ít biến động theo hướng tăng so với Tết Nguyên đán 2023”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart, chia sẻ.

Để có nguồn hàng ổn định, giá tốt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, UBND TPHCM đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện bổ sung nguồn hàng cho mùa tết, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn hàng bình ổn gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn chiếm từ 23%-31% nhu cầu thị trường.

Tăng nguồn hàng phục vụ nhu cầu cuối năm

Tăng nguồn hàng phục vụ nhu cầu cuối năm

Đối với hàng bình ổn, Sở Công thương cho biết, theo kế hoạch đưa ra, các tháng tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25%-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ... kiên quyết không để xảy ra khan thiếu hàng, mất cân đối cung - cầu trong mọi tình huống.

Là đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, Saigon Co.op cho biết ngay từ đầu năm đã có kế hoạch về nguồn hàng để ký kết với các nhà cung cấp. Theo đó, với mặt hàng gạo, đơn vị cung ứng khoảng 1.270 tấn/tháng nhưng vào tháng tết sẽ tăng lên 1.800 tấn; hay với dầu ăn sẽ là 670 tấn trong tháng thường, còn tháng tết tăng lên 1.070 tấn…

Ngoài hàng bình ổn, đại diện Saigon Co.op cho biết đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng tết từ rất sớm; đồng thời tính toán lại giá cả, cân đối bài toán thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định cùng nhiều ưu đãi. Đáng chú ý, hệ thống sẽ có thêm các phần quà tết giá bình dân, từ 149.000-199.000 đồng/phần để người tiêu dùng dễ tiếp cận.

“Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày thường. Mức giá bán ra luôn ổn định, tốt nhất cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay.

Từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024, Sở Công thương đã tham mưu UBND TPHCM một số giải pháp, chú trọng về giá cả hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tăng lượng hàng bình ổn thị trường, nhất là phục vụ Tết Nguyên đán 2024. Đặc biệt, với mặt hàng gạo, vừa qua sở đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh ĐBSCL, qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu gạo cho thấy giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn.

Do vậy, Sở Công thương đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tin cùng chuyên mục