Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ nay đến năm 2015, bộ sẽ trích 1% ngân sách môi trường hàng năm hỗ trợ Bộ Y tế nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn tại các bệnh viện (BV) công cả nước. Theo đó, sẽ ưu tiên thực hiện trước ở những BV trung ương.
Ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua còn nhiều khó khăn. Hiện tỷ lệ các cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải hoạt động theo quy định đạt 44% và còn khoảng 18 BV gây ô nhiễm nghiêm trọng phải khắc phục ngay theo Quyết định 64 của Thủ tướng. Đó là chưa kể, nhiều BV có hệ thống xử lý nước thải đã cũ, xuống cấp nên chất lượng nước sau xử lý Coliform chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân, do nguồn kinh phí đầu tư xử lý chất thải y tế quá lớn. Chỉ tính từ giai đoạn 2009 – 2015, ngành y tế cần gần 5.000 tỷ đồng để đầu tư xử lý chất thải y tế. Trong khi đó, các BV chủ yếu hoạt động theo chế độ công ích nên không có vốn đầu tư vào các công trình xử lý chất thải.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương tập trung, ưu tiên bố trí kinh phí từ các nguồn vốn như từ ngân sách đầu tư phát triển của nhà nước, ngân sách từ nguồn vay trái phiếu Chính phủ, từ các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như World Bank, Lien Aid, Jica cho việc đầu tư xử lý chất thải nhưng gặp không ít khó khăn. Kinh phí thường xuyên để vận hành hệ thống xử lý chất thải hiện nay chưa được đưa vào định mức kinh phí cấp cho đầu giường bệnh. Các BV phải tự cân đối các khoản chi trong kinh phí khám chữa bệnh để thực hiện việc xử lý chất thải nên không ổn định; nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải y tế.
Việc xử lý chất thải y tế tại đa số các bệnh viện tuyến huyện, các phòng khám đa khoa khu vực và nhất là tại các trạm y tế xã chưa được đầu tư và tổ chức thực hiện một cách triệt để và đúng quy cách; hệ thống tổ chức các đơn vị chuyên trách về môi trường y tế chưa được hoàn thiện; quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (nhất là môi trường trong ngành y tế) vẫn còn chưa đầy đủ; công nghệ xử lý chất thải y tế ở nước ta lạc hậu dẫn đến hiệu quả xử lý không cao, thậm chí gây ô nhiễm thứ cấp…
Trước thực tế đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, việc xử lý chất thải y tế ô nhiễm là rất cần thiết. Về phía Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ sắp xếp nguồn vốn hỗ trợ. Tuy nhiên, về phía ngành y tế nên xây dựng một đề án tổng thể về xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, làm rõ nguồn tài chính đối với từng tuyến bệnh viện. Có như vậy mới mong đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2015, đảm bảo trung bình mỗi ngày xử lý trên 300.000m³ nước thải và 600 tấn chất thải rắn đạt quy chuẩn cho phép. Được biết, dự toán tổng chi ngân sách bảo vệ môi trường năm 2011 là 7.250 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và UBND 24 quận - huyện tổ chức khảo sát tình hình đầu tư, vận hành, quản lý sử dụng hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở y tế công lập; nhu cầu đầu tư trong những năm tới; giải pháp về nguồn vốn, công nghệ, lộ trình triển khai thực hiện… trên địa bàn TP để đề xuất UBND TP xem xét, quyết định.
Trà My – Thanh Hoa