Tăng quản lý chất lượng công trình để tránh thất thoát, lãng phí

Nâng cao vai trò của Nhà nước
Tăng quản lý chất lượng công trình để tránh thất thoát, lãng phí

Thời gian qua, tình trạng thất thoát, lãng phí, chất lượng công trình không đảm bảo… gây nhiều bức xúc cho xã hội. Thủ tướng Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung để thẩm tra chất lượng các đồ án thiết kế kỹ thuật. Còn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải thẩm tra cả chi phí xây dựng, thay vì trước đây chỉ giao cho chủ đầu tư làm nhiệm vụ này.

Sắp tới, nhà chung cư cấp 3 trở lên, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế. Ảnh: Khu dân cư tại quận 2. Ảnh: Huy Anh

Sắp tới, nhà chung cư cấp 3 trở lên, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế. Ảnh: Khu dân cư tại quận 2. Ảnh: Huy Anh

Nâng cao vai trò của Nhà nước

Để quản lý chất lượng công trình tốt nhất, NĐ 15 cũng đã phân loại và phân cấp công trình xây dựng: công trình dân dụng; công trình công nghiệp; công trình giao thông; công trình thủy lợi và công trình hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải thẩm tra thiết kế đối với các công trình: nhà chung cư từ cấp 3 trở lên, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên; công trình công cộng từ cấp 3 trở lên; công trình công nghiệp (đường dây tải điện, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện…); công trình giao thông; công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả nước, kênh…); công trình hạ tầng kỹ thuật từ cấp 3 trở lên đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và từ cấp 2 trở lên đối với công trình sử dụng vốn khác.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải thẩm tra năng lực của tổ chức tư vấn, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế so với yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật; sự phù hợp của thiết kế với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình; mức độ an toàn chịu lực của công trình và các yêu cầu về an toàn khác. Riêng đối với công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ngoài các nội dung thẩm tra nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thực hiện thẩm tra thêm các nội dung: phù hợp của hồ sơ thiết kế so với nhiệm vụ thiết kế hoặc thiết kế cơ sở; sự hợp lý của hồ sơ thiết kế bảo đảm tiết kiệm chi phí và hiệu quả đầu tư. Sau khi kết thúc thẩm tra thiết kế, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải có ý kiến bằng văn bản về kết quả thẩm tra gửi chủ đầu tư. Thời gian thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng không quá 40 ngày làm việc đối với công trình cấp I trở lên và không quá 30 ngày làm việc đối với các công trình còn lại kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bộ Xây dựng cho biết, trước đây vai trò quản lý của nhà nước về quản lý chất lượng công trình rất mờ nhạt, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương chưa có cơ chế để vào cuộc thực hiện tiền kiểm mà chủ yếu vẫn là kiểm tra sau khi sự việc đã rồi, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư. “Với việc nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước được quy định rõ ràng như trên, NĐ mới về quản lý chất lượng sẽ làm thay đổi một cách căn bản, giúp quá trình quản lý đầu tư chặt chẽ, tăng cường vai trò của Nhà nước, tránh thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng”- một vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay.

Công khai thông tin về năng lực

Thực tế hiện nay, không ít các sự cố về công trình xây dựng xảy ra do năng lực của chủ đầu tư (CĐT) và các đơn vị tham gia vào công trình xây dựng yếu, có nhiều khiếm khuyết. Do đó, NĐ mới về quản lý chất lượng công trình mới nêu rõ: các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về năng lực hoạt động xây dựng của mình gửi tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử do cơ quan này quản lý. Các thông tin về năng lực hoạt động xây dựng nêu là cơ sở để lựa chọn tổ chức tham gia các hoạt  động xây dựng. Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin về năng lực hoạt động xây dựng do các tổ chức, cá nhân cung cấp, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có trách nhiệm xem xét và quyết định đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử do mình quản lý.

NĐ mới về quản lý xây dựng cũng quy định rõ việc bảo hành công trình xây dựng. Theo đó, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị. Thời hạn bảo hành công trình kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của hợp đồng xây dựng, hợp đồng cung ứng thiết bị nhưng phải tuân theo quy định: không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I; không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại; Thời hạn bảo hành công trình nhà ở thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở. Liên quan đến chất lượng công trình, khi phát hiện chất lượng không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình và chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-4-2013 và thay thế NĐ 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và NĐ 49/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ 209. Các quy định trước đây của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ. Quy định sử dụng thông tin về năng lực để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2013. Các công trình đã thực hiện chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước thời điểm NĐ này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành công trình.

Minh Huy

Tin cùng chuyên mục