Tăng tốc đầu tư giao thông kết nối liên vùng

TPHCM đang có rất nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh thành lân cận. Kết nối với Tây Ninh và mở thông cửa ngõ giao thông phía Tây Bắc có dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Dự án này không chỉ giúp TPHCM “đến” Tây Ninh mà xa hơn, đó là kết nối chiến lược với các nước láng giềng Campuchia và Thái Lan.

Dự kiến, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ được đầu tư ngay trong giai đoạn 2021-2025. Chưa hết, để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông cục bộ trên hướng tuyến này, TPHCM đang triển khai hàng loạt dự án nâng cấp đường Tô Ký, Tỉnh lộ 9… Ngoài ra, mở rộng đường kết nối với Long An và giải quyết tình trạng quá tải giao thông ở hướng Tây có các dự án xây dựng đường Nguyễn Văn Bứa, Tây Bắc, đường Võ Văn Kiệt nối dài, nâng cấp quốc lộ 50, đường Lê Văn Lương và Long Hậu, đường song song với quốc lộ 50… 

Theo kế hoạch, hầu hết các tuyến đường này sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với TPHCM, Bộ GTVT cũng đang triển khai nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng TPHCM như hoàn thiện dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức (Long An) - TPHCM - Long Thành (Đồng Nai), nghiên cứu xây dựng cầu Cát Lái nối TPHCM với Đồng Nai…

Theo nhiều chuyên gia, đây là hướng đi đúng của TPHCM, các tỉnh thành trong vùng TPHCM và Bộ GTVT bởi có được hệ thống giao thông kết nối hoàn chỉnh, thuận tiện sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác, phát triển cho các địa phương. Trước hết, đó là giúp cơ cấu lại mật độ dân số, tránh tập trung quá nhiều, gây quá tải về hạ tầng xã hội và kỹ thuật cho TPHCM. Người dân ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… có thể làm việc ở TPHCM mà không cần cư trú thường xuyên ở đây. Tất nhiên, nếu song song với làm đường, TPHCM và các tỉnh đầu tư thêm các tuyến buýt nhanh, thậm chí cả BRT thì không những giúp kết nối giao thông thuận tiện mà còn góp phần không nhỏ cho việc phát triển vận tải hành khách công cộng, qua đó hạn chế khói thải của xe, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nếu sớm đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) - TPHCM - Long Thành (Đồng Nai) thì xe tải, xe container chở hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên khu cảng biển nước sâu quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ không phải đi vào nội thành TPHCM (các tuyến đường ở quận 2, quận 7…). Việc này không chỉ giúp TPHCM giảm tải về giao thông mà còn giúp thành phố có điều kiện về hạ tầng, môi trường tốt hơn để trở thành trung tâm tài chính, khoa học - công nghệ của vùng TPHCM và cả nước. Còn cụm cảng biển nước sâu quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng thuận lợi hơn trong việc thu hút hàng hóa, sớm trở thành một trong những khu cảng trung chuyển lớn của khu vực và thế giới.  

  Thế nhưng, cũng phải nói, tập trung cho đầu tư, phát triển giao thông liên vùng, kết nối các tỉnh thành trong vùng TPHCM đã được nhiều chuyên gia lưu ý từ nhiều năm trước. Chính phủ, các bộ ngành cũng đã thúc giục… Song không ít tỉnh thành vì nhiều lý do đã chưa quan tâm đúng mức. Cũng dễ hiểu vì hầu hết các đường kết nối liên vùng thường nằm ở cuối địa phận các tỉnh thành, do đó không phải là nơi được ưu tiên đầu tư. Các tỉnh thành thường tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho khu vực trung tâm hoặc các điểm nghẽn về giao thông trong nội đô, nội tỉnh. Đó là tồn tại của những năm trước, mong rằng với quyết tâm chung của các địa phương trong vùng mà đặc biệt là của TPHCM, với sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của Bộ GTVT mọi việc sẽ khác. Hiện một số dự án giao thông kết nối liên vùng như đường cao tốc Bến Lức (Long An) - TPHCM - Long Thành (Đồng Nai)... còn vướng đền bù, giải tỏa và một số thủ tục liên quan đến vốn đầu tư, mong rằng các địa phương và các cơ quan liên quan sẽ nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ. Hãy biến những chủ trương, kế hoạch, dự định thành những việc làm cụ thể. Bởi lẽ, như đã nói ở trên, đây là một mũi tên bắn đi sẽ trúng được nhiều đích.

Tin cùng chuyên mục