Tăng tốc phục hồi kinh tế khu vực ASEAN hậu Covid-19

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 28 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 17-3, các bên tham gia đã khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vốn được các nước thành viên ASEAN (AMS) triển khai từ năm 2010.
Chế biến cá xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM.Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến cá xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM.Ảnh: CAO THĂNG

Tăng tốc phục hồi

Thông cáo của Ban Thư ký ASEAN cho biết, các bên tin tưởng việc nâng cấp ATIGA sẽ giúp tăng tốc phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch Covid-19. Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh, việc khởi động đàm phán nâng cấp ATIGA vừa kịp thời trong bối cảnh khu vực đang trên đà phục hồi hậu đại dịch Covid-19, vừa quan trọng sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1-1 vừa qua. Việc nâng cấp ATIGA nhằm đảm bảo rằng ASEAN vẫn thích hợp, hiện đại, hướng tới tương lai và phản ứng nhanh hơn trước các diễn biến trong khu vực và toàn cầu, đồng thời có thể góp phần tăng hiệu quả khai thác ATIGA của các doanh nghiệp nhằm hưởng lợi từ hội nhập khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh, việc nâng cấp hiệp định này “sẽ làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế ASEAN, nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một thị trường và trung tâm sản xuất duy nhất, cũng như sức hấp dẫn của ASEAN với tư cách là một trung tâm sản xuất và đầu tư ưa thích nhất”.

Hội nghị cũng nhất trí về nguyên tắc gia hạn hiệu lực của Bản ghi nhớ (MoU) về việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan đối với các loại hàng hóa thiết yếu theo Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 tới ngày 13-11-2024, cũng như mở rộng danh sách các mặt hàng thiết yếu. Điều này một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm của AMS trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực. AMS sẽ tiếp tục làm việc để xác định các sản phẩm tiềm năng được coi là hàng hóa thiết yếu nhằm đệ trình thông qua danh sách mở rộng tại Hội nghị AEM lần thứ 54 vào tháng 9 tới.

Hội nghị AEM hẹp lần thứ 28 đã thông qua 19 nội dung kinh tế ưu tiên của Chủ tịch ASEAN Campuchia năm 2022 trong 4 lĩnh vực chiến lược, gồm: tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học và công nghệ; thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ASEAN; thúc đẩy một ASEAN hội nhập, bao trùm, thích ứng và cạnh tranh hơn; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển chung của ASEAN.

Đẩy mạnh chuỗi cung ứng 

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gặp nhiều khó khăn do hàng hóa ùn ứ tại các cảng biển quan trọng, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Gan Kim Yong cho biết, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí tìm kiếm các phương thức nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong khu vực, qua đó thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ông Gan Kim Yong đã đề xuất 3 lĩnh vực chủ chốt mà các nước ASEAN có thể tập trung cùng thúc đẩy để hồi phục kinh tế, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết và “hội nhập kinh tế khu vực rộng mở, dựa trên các quy tắc” khi các quốc gia thành viên phải điều chỉnh để ứng phó với các bất ổn kinh tế như áp lực lạm phát và gián đoạn kinh tế do thay đổi địa chính trị và đại dịch Covid-19.

Cũng theo ông Gan Kim Yong, ASEAN cần hành động nhanh chóng để đối phó với những thách thức hiện nay, thông qua tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do của ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN cần phải khẳng định vai trò như một tổ chức khu vực năng động và tiến bộ thông qua hợp tác trong các lĩnh vực đang nổi như nền kinh tế xanh hay nền kinh tế kỹ thuật số.

Tin cùng chuyên mục