Tăng tốc sản xuất hàng tết

Nhiều doanh nghiệp (DN), chuỗi cung ứng bán lẻ đã bắt đầu tăng tốc sản xuất, tăng nguồn hàng dự trữ, tránh nguy cơ khan hiếm hàng khi mùa cao điểm mua sắm tết đang đến gần. Theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn diễn biến khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nhưng dự ước sức mua sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Dồn lực sản xuất

Ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết, những ngày cận tết, sản lượng bán ra của công ty có thể đạt từ 1 đến 1,5 triệu quả trứng gà, vịt/ngày. Do vậy, công ty phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để luôn có nguồn hàng đầy đủ cung ứng ra thị trường.

Tương tự, ông Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty Tân Nhiên (chuyên cung ứng sản phẩm bánh tráng không nhúng nước, là sản phẩm truyền thống được sử dụng phổ biến vào dịp tết cổ truyền), cho hay, rút kinh nghiệm từ năm trước, ngay từ đầu tháng 11, công ty đã tuyển thêm hơn 50 lao động thời vụ để tăng ca sản xuất, ước tính tăng 25% công suất và cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn bánh tráng/ngày.

Trong khi đó, ngoài việc chủ động trong sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An sẽ tận dụng triệt để hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thực phẩm thiết yếu để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.

“Chúng tôi tiến hành hàng loạt đổi mới, cải tiến từ bao bì đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cho ra mắt sản phẩm dầu thực vật tự nhiên mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng”, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, nói.

Cùng với đó, các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Satra, Saigon Co.op, Mega Market… cũng đang khẩn trương gia tăng nguồn hàng dự trữ, đảm bảo cho nhu cầu mua sắm những ngày lễ lớn cuối năm.

o1a-7921-6590.jpg
Nhân viên siêu thị ở TPHCM chuẩn bị đưa giỏ quà tết lên quầy kệ phục vụ người tiêu dùng

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, thông tin, đơn vị đã dành hơn 10.000 tỷ đồng để dự trữ nguồn hàng, đảm bảo 800 điểm bán trên toàn quốc không thiếu hàng dịp cao điểm cuối năm. Ngoài ra, những đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính chất độc đáo của từng địa phương cũng được đưa vào hệ thống để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Lạc quan với sức mua

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, phần lớn sản phẩm của DN thành viên là lương thực, thực phẩm chế biến. Do vậy, dịp cuối năm và tết cổ truyền là mùa cao điểm sản xuất của DN. Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng nhất định đến thu nhập của người dân, nhưng sức mua hồi phục liên tục trong nhiều tháng gần đây đã cho tín hiệu vui.

Để bình ổn thị trường dịp cuối năm tại TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sở đã làm việc với 45 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường và các DN đã cam kết dành 22.000 tỷ đồng để tăng tỷ lệ hàng dự trữ chuẩn bị cho cung ứng dịp tết. Do đó, sức mua vào dịp cận tết năm nay vẫn có thể duy trì ở mức tương đương năm trước và có thể tăng nhẹ nếu chương trình kích cầu tiêu dùng của các cơ quan chức năng phát huy hiệu quả tốt.

o5a-2313.jpg
Dây chuyền đóng gói lạp xưởng phục vụ Tết Nguyên đán tại Nhà máy Vissan. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hiện nhiều DN lạc quan với sức mua nội địa trong tháng 12 do có nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu, như chương trình giảm giá mạnh 59 ngày, ngày hội flash sale, ngày hội săn hàng hiệu, tháng khuyến mãi… do Bộ Công thương, UBND TPHCM tổ chức.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thông tin, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ghi nhận ước đạt 552.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tại TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ; trong đó lương thực, thực phẩm có mức tăng từ 10%-18%.

Các chương trình này đã có hiệu quả nhất định đến sức mua của người dân, góp phần hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, tăng năng suất sản xuất. Đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng may mặc. Bộ Công thương dự báo, thời điểm 5 tuần trước Tết Nguyên đán, sức mua sẽ tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, DN cần chủ động nguồn hàng để cung ứng cho thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công thương đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành phố lớn, như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Hà Nội… triển khai chương trình bình ổn giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ tết của người dân, tránh nguy cơ hàng hóa bị đẩy giá do khan hiếm. Đồng thời phối hợp các tỉnh, thành phố, đơn vị liên quan siết chặt thanh kiểm tra chất lượng, giá cả hàng hóa để đảm bảo người dân được hưởng tết an vui, lành mạnh.

Kiên quyết không để xảy ra thiếu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Ngày 14-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở TT-TT TPHCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024, Sở Công thương cho biết, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.

Đó là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối; các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ thị trường; trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25%-43%. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ…, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

ĐÔNG SƠN

Tin cùng chuyên mục