Sau khi Bộ GTVT cho biết, sẽ có khoảng 21 trạm thu phí BOT trên QL1 vào năm 2016, nhưng khẳng định, mật độ các trạm thu phí này vẫn đáp ứng quy định của Bộ Tài chính là 70km/trạm cũng như việc thu phí hoàn vốn dự án BOT không phải phí chồng phí, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc mở rộng nâng cấp QL1 bằng hình thức BOT là cần thiết và không có chuyện phí chồng phí bởi Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ dành cho các đoạn đường ngoài BOT, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
* Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG: Trước tiên, tôi vẫn phải khẳng định chủ trương mở rộng, nâng cấp QL1 là cần thiết, bởi tuyến giao thông huyết mạch này hiện chỉ có 2 làn xe, đã bị xuống cấp vì quá tải phương tiện từ lâu. Vấn đề đặt ra là đầu tư bằng nguồn vốn nào? Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay thì cần đến hình thức BOT và như vậy sẽ có hơn 20 trạm thu phí BOT mọc lên. Tôi cho rằng, cần xem xét lại mức thu của các trạm BOT. Lý do là chúng tôi đã nộp phí bảo trì đường bộ để bảo trì hệ thống đường bộ trên toàn quốc.
Thế nhưng trong cơ cấu thu phí BOT, ngoài phần thu để hoàn vốn đã bỏ ra đầu tư, vẫn có một phần phí để bảo trì đoạn đường BOT. Nên bỏ phần thu này trong mức phí trạm BOT đi, để mức phí sẽ giảm xuống và nhiệm vụ bảo trì đường BOT vẫn do Quỹ Bảo trì đường bộ đảm nhiệm. Việc lãnh đạo Bộ GTVT nói là Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ dùng cho các đoạn đường ngoài BOT chỉ là phát biểu trong một cuộc họp báo, còn trong các văn bản pháp quy như đề án thu phí bảo trì đường bộ, Nghị định 18 của Chính phủ về thực hiện thu Quỹ Bảo trì đường bộ, hay thông tư của Bộ Tài chính đều không đề cập nội dung này.
* Cũng theo Bộ GTVT, khi chất lượng đường được nâng lên, các doanh nghiệp vận tải sẽ tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, lợi ích này bù đắp việc đóng phí trạm BOT, ông có đồng ý với ý kiến này?
* Hình như lãnh đạo Bộ GTVT quên rằng, trong chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2020, ô tô sẽ tăng từ 1,8 triệu chiếc hiện nay lên khoảng 3,2 - 3,5 triệu chiếc. Rõ ràng QL1 được đầu tư mở rộng, nâng cấp là để thực hiện chiến lược phát triển này, đường mở rộng gấp đôi nhưng số lượng xe cũng tăng gấp đôi thì xe không thể đi nhanh hơn. Đó là chưa kể với mật độ trạm thu phí bình quân 70km/trạm cũng khiến cho tốc độ xe liên tục bị thay đổi. Chúng tôi cho rằng, kỳ vọng của Bộ GTVT là các phương tiện đi nhanh hơn sẽ khó lòng đạt được. Hơn nữa, tiết kiệm nhiên liệu cũng không phụ thuộc vào đi nhanh hay chậm mà phụ thuộc vào tốc độ kinh tế của xe, nên nói đi nhanh hơn sẽ tiết kiệm nhiên liệu cũng chưa đủ cơ sở.
* Vậy theo ông, việc QL1 sẽ có hơn 20 trạm thu phí BOT sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp vận tải?
* Rõ ràng là nhiều trạm thu phí BOT sẽ làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải, nhưng điều đáng nói ở đây là doanh nghiệp vận tải nộp phí nhưng thực ra là dân nộp. Doanh nghiệp vận tải chỉ nộp hộ dân khi thu vào giá cước vận tải, mức phí tăng 2 lần hay 3,5 lần cũng vậy thôi, cuối cùng vẫn là dân chịu. Quan điểm của tôi là làm thế nào để tổng số tiền người dân phải nộp khi tham gia giao thông phải ở mức người dân chịu đựng được.
Đừng biến đường giao thông công cộng thành hàng hóa để các doanh nghiệp kinh doanh thuần túy. Nhà nước cần phải cân bằng quyền lợi của nhà đầu tư và người dân. Khi xây dựng đề án mở rộng, nâng cấp QL1, được biết Bộ GTVT đã tính toán kỹ các vấn đề, trong đó có cả chuyện sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải, tuy nhiên chúng tôi chưa nắm được những thông tin này. Bên cạnh đó, việc QL1 sẽ thành một đại công trường trong thời gian tới thì phương án đi lại cụ thể như thế nào cũng chưa rõ ràng.
BÍCH QUYÊN (thực hiện)