Không chỉ người bệnh mà tất cả nhân viên y tế nói riêng và toàn xã hội nói chung đã quá ngán ngẩm với tình trạng quá tải bệnh viện. Có thể khẳng định đó là quốc nạn, làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của ngành y tế, đồng thời là nguyên nhân cơ bản gây nên nạn phong bì và nhiều chuyện cười ra nước mắt. Cũng có khá nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân gây quá tải bệnh viện là vấn đề viện phí.
Vừa qua, Bộ Y tế đã đồng ý phương án tăng giá cho 400 dịch vụ y tế. Nhưng dư luận vẫn băn khoăn về chất lượng dịch vụ y tế liệu có góp phần chống quá tải bệnh viện hay không? Là những người trong nghề, chúng tôi thấy rằng việc tăng giá này chỉ là hình thức và không hề làm tăng chất lượng dịch vụ y tế cũng như không thể giúp giảm tải ở các bệnh viện.
Vì ngoài vài dịch vụ mới còn hầu hết các dịch vụ y tế tại các bệnh viện công và các bệnh viện có tham gia khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế đã tăng từ lâu rồi, thậm chí có phần còn tăng hơn mức giá mới mà Bộ Y tế và Bộ Tài chính mới ban hành. Giá tăng dưới rất nhiều hình thức và cuối cùng người bệnh phải chịu tất cả.
Về vấn đề chất lượng phục vụ trong ngành y tế, ngoài việc giáo dục y đức và các biện pháp hành chính khác, quá tải bệnh viện là một vấn đề không nhỏ. Bởi vì, nếu thầy thuốc khám khoảng 30 bệnh nhân một buổi thì việc khám kỹ và khéo léo trong ứng xử là một việc không khó và hầu như bác sĩ nào cũng làm được. Nhưng nếu khám trên 100 bệnh nhân trong vài giờ của buổi sáng hoặc mổ từ 5 - 7 bệnh nhân trong một ngày, vấn đề chất lượng điều trị sẽ giảm xuống rõ rệt vì bác sĩ cũng là con người với giới hạn của khả năng làm việc và sự chịu đựng.
Cho nên, việc chống quá tải cho đến ngày hôm nay vẫn là mấu chốt của mọi vấn đề trong ngành y từ vấn đề phong bì, vấn đề ứng xử cho đến chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân.
Nhưng nếu đi sâu vào vấn đề thì không phải quá tải ở tất cả các bệnh viện, ở tất cả các cơ sở y tế mà chỉ có số ít chiếm vào khoảng 20% các bệnh viện và cơ sở y tế. Đó là các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện chuyên khoa và một số bệnh viện vốn đã có thương hiệu từ lâu. Còn lại các bệnh viện khu vực hay bệnh viện quận huyện, thậm chí phần lớn các bệnh viện tư nhân đang có hiện nay đều trong tình trạng vắng bệnh nhân, công suất nằm viện chỉ vào khoảng 40% - 50%.
Vậy vấn đề chính ở đâu? Thứ nhất là lòng tin và thói quen của người bệnh và thân nhân bệnh nhân. Họ chỉ tin vào các bệnh viện lớn, đã có thương hiệu. Nhiều khi do thiếu thông tin hay vì một lý do nào khác mà những gương người tốt trong ngành y, những ca điều trị bệnh thành công của các tuyến y tế cơ sở thường không được nói tới. Trong khi đó, những trường hợp tai biến, những câu chuyện đau lòng về ngành y thì lại bị đào xới quá kỹ. Song song với nó là việc ca ngợi quá nhiều những trường hợp thành công của tuyến trên, của những bệnh viện đã có danh tiếng khiến nhiều bệnh nhân chối bỏ tuyến khám và điều trị bên dưới để tập trung lên bệnh viện tuyến trên như nước vỡ bờ không có gì cản nổi.
Việc thứ hai là hiện tượng dễ dãi của bảo hiểm y tế, mặc dù người dân có quyền đến khám và chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở nào. Nhưng khi hiện tượng quá tải thành đại nạn như hiện nay thì vai trò điều tiết của nhà nước rất quan trọng. Ở bất kỳ nước nào trên thế giới, chính quyền đều làm như vậy. Không thể có cảnh bệnh viện lớn hạng đặc biệt, bệnh viện của trường đại học, bệnh viện chuyên khoa sâu… lại tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu hoặc thoải mái vượt tuyến không có giấy giới thiệu của bệnh viện tuyến dưới.
Theo thông lệ trên thế giới, những bệnh viện đó có nhiệm vụ khám và điều trị cho những trường hợp bệnh khó, sử dụng kỹ thuật mới và là trung tâm đào tạo nâng cao tay nghề cho những thầy thuốc của toàn bộ hệ thống y tế quốc gia. Trong khi đó, ở nước ta hiện tượng bệnh nhân tự vượt tuyến điều trị chiếm một số lượng khá lớn.
Theo các chuyên gia về xã hội học, nếu TPHCM có xây thêm vài chục bệnh viện mới thì các bệnh viện đã có danh tiếng vẫn quá tải và vòng luẩn quẩn vẫn như vậy. Trong thời bao cấp, việc phân tuyến điều trị rất tốt, dù đói nghèo người dân vẫn được chăm sóc tốt về mặt y tế.
Vì vậy, việc chống quá tải ở một số bệnh viện như hiện nay quan trọng hơn cả là xây dựng văn hóa khám bệnh cho bệnh nhân. Việc xảy ra nhiều vấn đề đau lòng như hiện nay về việc khám chữa bệnh thiết nghĩ là do lỗi của cả hai phía: bệnh nhân và thầy thuốc. Tại sao chúng ta cứ luẩn quẩn mãi với việc xây dựng văn hóa giao tiếp ở thầy thuốc mà quên đi việc điều chỉnh ở cả hai đối tượng: thầy thuốc và bệnh nhân. Điều quan trọng nhất, theo một vị thầy thuốc rất uy tín, là phải lập lại tuyến khám và chữa bệnh, không để tiếp diễn tình trạng như hiện nay.
PGS - TS Nguyễn Hoài Nam
Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM