
ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Công, có diện tích tự nhiên gần 40.000 km2 (12% diện tích cả nước), trên 17 triệu dân (22% dân số cả nước), là vùng đồng bằng phì nhiêu, tài nguyên đất đa dạng, nguồn nước phong phú, khí hậu ôn hòa, nắng nhiều, ít bão… thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp đa canh nhiệt đới, nhưng…
- Chưa có thương hiệu nông sản mạnh

Xoài cao sản Tứ Quý của ông Nguyễn Thanh Sơn vừa được cấp giấy bảo hộ thương hiệu. Ảnh: NGHI PHỔ
Nông nghiệp ĐBSCL đóng góp hơn một nửa sản lượng lương thực quốc gia, đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Xuất khẩu nông sản (XKNS) đã trở thành nhân tố tăng trưởng chính của các tỉnh trong khu vực. Tổng kim ngạch XKNS toàn vùng hàng năm đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 30-45% kim ngạch XKNS cả nước, trong đó gạo chiếm tỉ trọng khoảng 90% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước; trái cây chiếm 80%; thủy sản chiếm 60%… Thế mà đến nay, sản xuất nông sản của ĐBSCL vẫn chưa theo kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường nội địa và thế giới. Cụ thể:
- Chưa có một thương hiệu (TH) mạnh tương xứng với thế mạnh sản xuất.
- Công nghiệp thu hoạch, bảo quản, chế biến chưa theo kịp tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp của khu vực, thiếu hệ thống đồng bộ, thông suốt từ khâu sản xuất – thu mua – bảo quản – chế biến – tiêu thụ. Công nghệ và thiết bị chế biến còn lạc hậu, quy mô nhỏ, phân tán - chủ yếu vẫn là chế biến thô, hàm lượng công nghệ trung bình nên chỉ tạo ra giá trị tăng thêm nhỏ, lợi nhuận thấp.
- Chất lượng nông sản - kể cả nông sản nguyên liệu - còn nhiều hạn chế, giá thành cao, mẫu mã đơn điệu, độ đồng đều thấp, chưa theo sát nhu cầu - thị hiếu của người tiêu dùng. Công tác quản lý chất lượng hàng nông sản chưa được thực hiện tốt, gây tâm lý bất an trong người tiêu dùng đối với một số loại nông sản sản xuất trong nước.
- Quá trình đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ trong nông nghiệp, nông thôn chuyển biến chậm, chưa hình thành được hệ thống phân phối, kênh tiêu thụ đáp ứng mục tiêu sản xuất nông sản hàng hóa hiện đại và yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới.
- Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) nông sản chưa phát triển
Hàng hóa được bảo hộ tên gọi xuất xứ cùng với TH được gọi là CDĐL. Điều 14, Nghị định 54/2000/NĐ-CP của Chính phủ quy định: CDĐL được bảo hộ là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hóa, đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc quốc gia nào đó.
- Thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hóa nhằm chỉ dẫn rằng hàng hóa nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.
Ý nghĩa của việc xây dựng CDĐL, gắn với một TH là dựa vào thế mạnh về điều kiện tự nhiên, xã hội của một vùng, một quốc gia để chỉ ra sự khác biệt về “đẳng cấp” của hàng hóa được sản xuất tại vùng hay quốc gia đó so với hàng hóa cùng loại trên thị trường nhằm mục đích bán được nhiều sản phẩm với giá khác biệt.
Đặc điểm quan trọng của CDĐL là uy tín của hàng hóa và danh tiếng địa phương sẽ có yếu tố cộng sinh: Sản phẩm tốt – tăng thêm ấn tượng đẹp cho địa phương; nhờ tên tuổi của địa phương nên sản phẩm tăng cơ hội được khách hàng nhận biết, tin tưởng, quyết định mua. Lưu ý: việc quảng bá sản phẩm, xuất xứ hàng hóa cần chi phí quảng cáo tuyên truyền cao, chỉ những sản phẩm nào thực sự có chất lượng và tiềm năng phát triển quy mô lớn mới nên xây dựng CDĐLvà TH.
- Những nông sản tại ĐBSCL có thể xây dựng CDĐL
1- Gạo: Quy mô sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao; các nhà máy chế biến tập trung nên dễ áp dụng, đầu tư công nghệ hiện đại. Để đăng ký thành công CDĐL cho mặt hàng gạo chúng ta cần tìm, chứng minh được điều kiện tự nhiên của ĐBSCL tạo nên những ưu điểm vượt trội cho lúa gạo vùng này hoặc xây dựng phương án làm TH gạo ĐBSCL.
2- Trái cây: Cả nước có 27 vùng cây ăn trái tập trung với diện tích trên 242.000 ha, trong đó diện tích cây ăn trái phục vụ xuất khẩu khoảng 100.000 ha – phần lớn nằm ở ĐBSCL. Vùng chuối, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt tập trung ven sông Tiền, sông Hậu; vùng dứa (khóm) ở bán đảo Cà Mau, Tây sông Hậu, Bình Sơn (Kiên Giang), Bắc Đông (Tiền Giang)… Diện tích cây ăn trái ĐBSCL tăng khá nhanh: bình quân 7%/năm. Trái cây ĐBSCL rất nổi tiếng. Xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh Bến Tre, bưởi Năm Roi, nhãn Long Hồ, cam sành Tam Bình… là những sản phẩm xứng đáng xây dựng TH và CDĐL.
- Một số điều cần lưu ý khi xây dựng TH và CDĐL
- Mọi doanh nghiệp tham gia sản xuất-kinh doanh lúa gạo, trái cây tại ĐBSCL đều có quyền đăng ký xây dựng TH, CDĐL. Do vậy, việc xây dựng quy trình sản xuất khoa học, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt là điều tối quan trọng để được gắn TH.
- Xây dựng TH, CDĐL là một quá trình lâu dài, liên tục không có điểm dừng và “đỉnh cao”. Còn sản xuất hàng hóa là còn phải xây dựng TH và CDĐL.
- Việc đánh giá hiệu quả của chương trình xây dựng TH, CDĐL không thể căn cứ máy móc vào hạch toán lỗ lãi mà nên đánh giá tổng quát thông qua lượng hàng hóa bán ra và giá cả khác biệt với mặt hàng cùng loại trên thị trường và với chính hàng hóa của mình ở hai giai đoạn trước và sau khi được công nhận TH, CDĐL.
DIỆP KỈNH TẦN
(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT)