Tạo giá trị mới từ dữ liệu số

Việt Nam triển khai Chính phủ điện tử từ năm 2000, đến năm 2020 bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số, đánh dấu bằng việc ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định rõ 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, ngày 10-10 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2023, Ngày Chuyển đổi số quốc gia có chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quá trình số hóa toàn cầu khiến dữ liệu ngày càng quan trọng hơn. Hàng loạt ngành công nghệ cao, mới ra đời trên nền tảng dữ liệu số như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain)…

Dữ liệu số được xem là nguồn tài nguyên quan trọng nhất, quý giá nhất và không bị giới hạn đối với bất kỳ quốc gia nào trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay. Tại Việt Nam, dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận đầy đủ hơn. Đầu năm 2023, Bộ TT-TT xác định các mục tiêu: bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; đảm bảo an toàn dữ liệu; xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số hiện nay. Thế nhưng, Bộ TT-TT vừa cảnh báo về nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không hoàn thành các nhiệm vụ về phát triển, khai thác và sử dụng dữ liệu số đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao trong kế hoạch hành động năm 2023 - “năm dữ liệu quốc gia”.

Cụ thể, tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục mới đạt 52,3%. Cùng với đó, mới chỉ có 19,7% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch.

Tổng hợp của Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT) cho biết, trong 8 chỉ tiêu chính về dữ liệu số của năm dữ liệu số quốc gia, có tới 5 chỉ tiêu vẫn chưa đạt 50% so với yêu cầu đặt ra; tỷ lệ các bộ, tỉnh cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đến tháng 8-2023 mới là 14%, trong khi mục tiêu đặt ra trong năm nay là 100%.

Cũng đến tháng 8, tỷ lệ bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là 60,5%, trong khi mục tiêu đặt ra trong năm nay là 80%...

Theo các chuyên gia, ngoài phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các mục tiêu trên thì cần phải xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu. Trong đó, xác định rõ mô hình, vai trò xây dựng và khai thác dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện chính sách về phân loại dữ liệu, có cơ chế cho việc khai thác dữ liệu; đồng thời cần có danh mục các dữ liệu ưu tiên. Đó là cơ sở để các bên liên quan cùng thực hiện khi phát triển và khai thác dữ liệu số. Việc phân loại dữ liệu ở cấp độ chính xác có vai trò hết sức rất quan trọng đối với an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả của các cơ quan Chính phủ. Cần phải quy định rõ, có tính pháp lý: dữ liệu nào thì Nhà nước, các bộ ngành, địa phương “nắm riêng”; dữ liệu nào thì bắt buộc phải chia sẻ; dữ liệu nào thì mọi người dân có quyền truy cập…

Tất cả làm thế nào, để có thể đánh giá và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thông qua việc ứng dụng một cách hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số. Dữ liệu rất quan trọng nhưng việc xử lý, khai thác hiệu quả dữ liệu đó là điều quan trọng hơn. Tài nguyên dữ liệu số sinh ra, được tạo nên, cần phải được chia sẻ, khai thác để tạo ra những giá trị mới, cao hơn, mạnh hơn; để phục vụ người dân, doanh nghiệp và sự quản lý, điều hành của Chính phủ. Đó mới thực sự là con đường và đích đến của quá trình chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục