Chuyển đổi số đặt ra vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

“Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp", đại biểu Lưu Bá Mạc (Việt Nam) nhận định.  
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề số. Ảnh: QUANG PHÚC
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề số. Ảnh: QUANG PHÚC

Trưa 15-9, trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, đại biểu Lưu Bá Mạc (Việt Nam) cho rằng, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, lấy người dân làm trung tâm, gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Việt Nam)

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Việt Nam)

“Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp. Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”, đại biểu nhấn mạnh.

Tham gia ý kiến về vấn đề này, bà Yetunde Bakare, Giám đốc YIAGA Africa có trụ sở tại Nigeria cho biết, theo số liệu thống kê năm 2023, hiện có 5,4 tỷ người trên thế giới, tương đương 67% dân số toàn cầu đang sử dụng internet, tăng hơn 50% so với năm 2018.

“Đáng lưu ý là sự khác biệt trong việc tiếp cận internet giữa các tầng lớp xã hội khác nhau, lứa tuổi khác nhau. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta thu hẹp khoảng cách phát triển số, năng lực số trong bối cảnh chuyển đổi số. Cần có những chính sách thúc đẩy đầu tư cho các kỹ năng số của thế hệ trẻ và các thế hệ lớn tuổi hơn nhằm đảm bảo tính bao trùm”, nữ đại biểu nhận định.

Bên cạnh đó, bà Yetunde Bakare đề nghị cần thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, quan hệ với các tổ chức xã hội… nhằm đảm bảo phát triển bao trùm, gắn kết các tầng lớp với nhau, có cùng chiến lược và hỗ trợ chính sách bao trùm số.

Bà Yetunde Bakare

Bà Yetunde Bakare

Nữ nghị sĩ Cynthia Lopez Castro (Mexico) đề nghị thiết kế những chính sách xử phạt nghiêm khắc với những hành vi vi phạm trên không gian mạng.

Bà Cynthia Lopez Castro cho biết, Mexico có đạo luật Olympia được bắt nguồn từ việc phát tán đoạn video có nội dung tình dục nhưng không được sự cho phép - đây là hành vi bạo lực trên mạng, vốn chưa được quy định trong pháp luật. “Chúng tôi đã thành công trong việc đưa vào Hiến pháp quy định đây là hành vi phạm tội hình sự, vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Điều luật này cũng được nhân rộng ở nhiều bang ở Mexico và một số quốc gia.

Hiện tại Mexico có tỷ lệ nghị sĩ nữ chiếm tới 50%, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là phụ nữ, Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ, bà Cynthia Lopez Castro cho biết và hy vọng các nghị viện cùng nhau thiết kế các điều luật tương tự để ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ trên mạng.

Tin cùng chuyên mục