Tạo sân chơi cho những cây bút học đường

Trong lễ trao giải cuộc thi Truyện ngắn hay (do Tạp chí Văn nghệ TPHCM và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức), không ít người bất ngờ khi 2 tác giả thuộc thế hệ gen Z là Dương Gia Hân (An Giang) và Hoàng Yến (TPHCM) cùng nhận giải Tác giả trẻ. Cũng từ đây, một thực tế được đặt ra, cần có thêm sân chơi dành cho những cây bút học đường.

Sức lan tỏa chưa nhiều

Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố Giải thưởng Văn học trẻ lần 2 năm 2023 dành cho học sinh, sinh viên có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống, học tập trong và ngoài nước. Năm 2022, ban tổ chức đã trao giải nhất (trị giá 30 triệu đồng/giải) cho 3 tác giả: Trần Văn Thiên (Trường ĐH Y Dược TPHCM), Cầm Văn Lương (Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội) và Trần Thị Thùy Dung (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM).

Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, nhưng Giải thưởng Văn học trẻ đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm. Theo ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, số tác phẩm vượt ngoài dự đoán của ban tổ chức. “Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy hiện nay, các bạn trẻ vẫn còn đam mê văn chương và mong muốn thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc về cuộc sống xung quanh”, ThS Trần Nam nói thêm. Trước đó không lâu, Hội Nhà văn TPHCM, Tạp chí Văn nghệ TPHCM và Trường ĐH Cửu Long phát động cuộc thi “Văn chương phương Nam” gồm 2 thể loại truyện ngắn và thơ. Cuộc thi diễn ra trên toàn quốc dành cho học sinh, sinh viên trong nước và nước ngoài.

Nhà thơ Ngô Thanh Vân chia sẻ và truyền cảm hứng sáng tác cho các em học sinh tại lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số”. Ảnh: MẠNH ĐỨC

Nhà thơ Ngô Thanh Vân chia sẻ và truyền cảm hứng sáng tác cho các em học sinh

tại lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số”. Ảnh: MẠNH ĐỨC

Đây là 2 cuộc thi hiếm hoi mang tính chính thống dành cho những cây bút học đường hiện nay. Theo nhà văn Văn Thành Lê, từng có thời kỳ nở rộ các bút nhóm, câu lạc bộ sáng tác trên báo dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên và ở Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các địa phương, nhiều cây bút học đường đã được phát hiện, trưởng thành qua thời gian, đặc biệt với thế hệ 7X và 8X. “Sau này, vai trò của Hội VHNT các địa phương không giữ được vị thế như trước đây, nên việc đầu tư, chăm chút cho các cây bút học đường cũng có phần bị lơ là, lãng quên. Thay vào đó là các diễn đàn văn chương mạng ra đời. Sân chơi của các cây bút học đường không còn được như trước”, nhà văn Văn Thành Lê cho biết.

Vì không có nhiều sân chơi, nên tác phẩm dành cho lứa tuổi học trò hiện nay cũng khan hiếm. Tập truyện ngắn Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào (NXB Kim Đồng) của nhà văn Trần Tùng Chinh là tác phẩm hiếm hoi viết về đề tài học đường vừa ra mắt hè năm nay. Nhà văn Trần Tùng Chinh nói thêm: “Sân chơi văn chương hiện nay của các bạn trẻ khá phong phú nhưng chủ yếu tập trung trên các nền tảng mạng xã hội, kênh chính thống không nhiều. Chính vì vậy, sức lan tỏa vào mảnh đất học đường chưa nhiều”.

Chú trọng ươm mầm

Mới đây, Hội VHNT tỉnh Gia Lai tổ chức lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số” năm 2023 cho 25 học sinh có năng khiếu văn học trên địa bàn TP Pleiku. Trong thời gian gần một tuần, các em đã được gặp gỡ, trò chuyện về nghề viết với các nhà văn, nhà thơ; được tham quan trải nghiệm thực tế. Phải sau 25 năm, Hội VHNT tỉnh Gia Lai mới có lại một sân chơi bổ ích như vậy cho các em.

Nhà thơ Ngô Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai, cho rằng, việc phát hiện các cây viết trẻ và bồi dưỡng để phát triển thành đội ngũ văn học trẻ, văn học thanh thiếu nhi là trăn trở lớn đối với thường trực hội cũng như những người quan tâm. “Tre già măng mọc là điều hết sức tự nhiên trong cuộc sống nhưng với văn chương, cần phải có sự phát hiện, tìm tòi, ươm mầm, bồi dưỡng mới hy vọng có thể có được một vài bạn trẻ yêu thích con đường sáng tác”, nhà thơ Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Từng đứng lớp trực tuyến với trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, mới đây là làm việc trực tiếp với lớp bồi dưỡng sáng tác của Hội VHNT tỉnh Gia Lai, theo chia sẻ của nhà văn Văn Thành Lê, qua các buổi đứng lớp, anh nhận ra nhiều em có tố chất, năng khiếu văn chương thật sự. “Đó là những hạt mầm tốt, việc của chúng ta là tạo ra bầu khí quyển văn chương tốt, tạo sự tương tác, khích lệ để kích hoạt việc đọc và viết ở các em nhiều hơn”, nhà văn Văn Thành Lê bày tỏ.

Thực tế cho thấy, học đường hiện nay có nhiều vấn đề nổi cộm, nhưng sân chơi để những cây bút học đường “dụng võ” thì không nhiều. Chính vì vậy, việc tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác là cần thiết và có ý nghĩa khích lệ, truyền cảm hứng để các bạn trẻ cầm bút.

Tin cùng chuyên mục