Tuy nhiên, thực tế vẫn còn cần thêm các giải pháp để khuyến khích nhân lực giỏi theo đuổi ngành đặc thù này.
(ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2021, đào tạo giáo viên nằm trong nhóm ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao (xếp thứ 11/25 nhóm ngành). Không chỉ thu hút sự quan tâm của thí sinh, nhóm ngành này còn có điểm sàn xét tuyển khá cao. Xét tuyển vào các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm (tổ hợp 3 bài thi), cao hơn 0,5 điểm so với năm 2020. Cùng với đó, tỷ lệ nhập học ngành sư phạm cũng cao hơn năm 2020.
(ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)
Theo nhiều chuyên gia, năm 2021, ngành sư phạm có kết quả tuyển sinh khởi sắc hơn những năm trước đây, bởi cùng với việc quy định điểm sàn (từ năm 2018), thì năm 2021, Bộ GD-ĐT cho phép các trường sư phạm mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng thí sinh có học lực giỏi ở các trường THPT. Đặc biệt là Nghị định 116 của Chính phủ (có hiệu lực từ tháng 11-2020) áp dụng từ khóa 2021-2022, có chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên theo học ngành sư phạm nên cũng góp phần thu hút thí sinh.
Cần giải pháp đồng bộ
Cả nước hiện có 56 cơ sở đào tạo nhóm ngành sư phạm. Năm 2021, với số lượng nguyện vọng đăng ký tăng, tỷ lệ nhập học cao là minh chứng thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều của người học đối với ngành đào tạo sư phạm. Đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo có thêm nhiều lựa chọn, song cũng đặt ra những đòi hỏi cao hơn trong việc cải thiện chất lượng đào tạo, nhằm thu hút thí sinh một cách bền vững.
PGS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng, một trong những giải pháp cần tiếp tục phát huy, cũng nhằm tạo động lực, tác động mạnh tới sự lựa chọn của nhiều thí sinh, là thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 116. Đây là sự đầu tư không nhỏ, cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành sư phạm. Nhưng về lâu dài, để khuyến khích người học có tài năng lựa chọn ngành sư phạm và nâng chất lượng đào tạo, chính các cơ sở đào tạo cần chuyển động mạnh mẽ. Đặc biệt, để đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình đào tạo của các trường cũng cần đổi mới cho phù hợp.
Dưới góc độ của cơ sở đào tạo, TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng, với Nghị định 116 của Chính phủ và việc mở rộng diện xét tuyển thẳng đã tạo điều kiện để các trường sư phạm thu hút thêm những học sinh giỏi, có năng lực. Hơn nữa, việc không đào tạo hệ trung cấp, hạn chế đào tạo hệ cao đẳng (từ năm 2020 chỉ còn ngành giáo viên mầm non) có nghĩa là giảm số lượng, tăng chất lượng, từ đó tăng cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm sau này.
Theo TS Nguyễn Minh Hồng, tuy chính sách tiền lương cho giáo viên đã có thay đổi, nhưng về lâu dài vẫn cần được quan tâm và cải tiến hơn để thu hút sinh viên giỏi. Những ưu đãi về học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm nên gắn liền với việc sắp xếp, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, mức lương hợp lý, điều kiện làm việc tốt để giáo viên toàn tâm toàn ý với nghề…
Đại diện nhiều cơ sở đào tạo cũng cho biết, băn khoăn đầu tiên và lớn nhất của các em khi theo đuổi ngành sư phạm là học xong liệu có việc làm, thu nhập sẽ ra sao. Do đó, về lâu dài, hỗ trợ sinh viên chưa đủ, mà phải có những giải pháp vĩ mô, mang tính đồng bộ từ chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra và cả lương bổng, chính sách đặc thù dành riêng cho ngành sư phạm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, các cơ sở đào tạo, địa phương cần phối hợp đồng bộ để vận hành hiệu quả, cân đối giữa “cung” và “cầu”, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người học ngành sư phạm. Để tạo sự phát triển toàn diện, vững chắc và chất lượng của cả hệ thống, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng sẽ có văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể việc đào tạo sinh viên sư phạm được thực hiện dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với cơ sở đào tạo theo Nghị định 116, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ...
Luật Giáo dục 2005 quy định, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm, như: việc sử dụng ngân sách chưa đảm bảo hiệu quả do sinh viên ra trường không làm đúng ngành; việc cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm chưa đảm bảo định mức chi phí dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo; không công bằng với các ngành học khác; không thu hút được học sinh khá, giỏi vào ngành sư phạm; việc đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng… Vì vậy, Nghị định 116 được ban hành với kỳ vọng khắc phục hiệu quả những nhược điểm trên. |