Tạo vị thế để trái cây “hướng ngoại”

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam năm 2015 tăng trưởng ngoạn mục khi đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 47% so năm 2014. Điều đáng mừng, có nhiều loại trái cây như nhãn, vải, xoài, thanh long, bưởi da xanh… được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, EU… ngày càng nhiều, tạo vị thế mới cho trái cây Việt Nam. Báo SGGP có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, về những triển vọng của xuất khẩu trái cây trong thời gian tới. * Phóng viên:
Tạo vị thế để trái cây “hướng ngoại”

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam năm 2015 tăng trưởng ngoạn mục khi đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 47% so năm 2014. Điều đáng mừng, có nhiều loại trái cây như nhãn, vải, xoài, thanh long, bưởi da xanh… được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, EU… ngày càng nhiều, tạo vị thế mới cho trái cây Việt Nam. Báo SGGP có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, về những triển vọng của xuất khẩu trái cây trong thời gian tới.

* Phóng viên:
Thưa ông, công tác lâu năm trong ngành trái cây, vậy ông có nhận định gì khi lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của nước ta đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD.

* PGS-TS Nguyễn Minh Châu: Trước tiên, tôi rất vui về thành quả này, bởi sẽ tạo bước đột phá về sản xuất và xuất khẩu trái cây. Sở dĩ trái cây nước ta được nhiều thị trường ưa chuộng vì nông dân đã ứng dụng thành công các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP. Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất trái vụ trên cây cam, quýt đường, chôm chôm, sầu riêng, nhãn… rất hiệu quả, giúp nhiều nông dân ĐBSCL có thu nhập cao. Nếu như trồng lúa chỉ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha/năm thì cây bưởi da xanh, thanh long, sầu riêng, nhãn, quýt… mang về lợi nhuận từ 300- 500 triệu đồng/ha/năm.

Thu hoạch khóm ở Hậu Giang

* Một trong những điểm mạnh của trái cây Việt Nam là có nhiều giống ngon. Vậy chúng ta phát huy lợi thế này như thế nào, thưa ông?

* Đúng là chúng ta có nhiều giống trái cây ngon như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, quýt đường, cam sành, thanh long ruột đỏ, nhãn xuồng cơm vàng, vú sữa Vĩnh Kim, măng cụt, chôm chôm nhãn, sầu riêng Ri-6… Ngoài ra, còn có đu đủ Đài Loan tím, khóm Queen… cũng là những trái cây độc đáo của Việt Nam. Trên thực tế, những năm qua ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân… đã khai thác tối đa lợi thế của các loại trái cây ngon để gia tăng xuất khẩu và đạt được những kết quả nhất định; nhờ đó người tiêu dùng trên thế giới ngày càng ưa chuộng các loại trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản hiện nay là chưa xây dựng được những vùng chuyên canh trái cây quy mô lớn, nên nhiều lúc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu dài hạn với số lượng lớn. Lâu nay chúng ta đề cập đến mô hình hợp tác xã (HTX), nhưng HTX ở ta chưa mang lại hiệu quả cao như HTX ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Việc sản xuất và lưu thông phân phối trái cây cũng chưa theo chuỗi giá trị, từ đó bị cắt khúc nhiều công đoạn. Cụ thể, nông dân bán trái cây tại vườn với giá không cao nhưng người tiêu dùng phải mua với giá quá cao, bởi phải qua nhiều khâu trung gian. Nếu chúng ta làm tốt được “chuỗi giá trị” sẽ khắc phục được việc này và tránh tình cảnh được mùa mất giá.

* Để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới, theo ông cần phải làm gì?

* Cần tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp theo tình hình mới. Chúng ta có thể học hỏi mô hình HTX của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. HTX ở Nhật Bản được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động như xây nhà đóng gói, trụ sở làm việc, các mô hình sản xuất tiên tiến. Ngoài ra, HTX còn có siêu thị để giúp xã viên tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, HTX sẽ lo từ đầu vào đến đầu ra cho xã viên. Cần thấy rằng, HTX là giải pháp duy nhất để phát triển vùng sản xuất lớn, chất lượng trái cây đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bởi được cán bộ quản lý chặt. Làm được việc này thiết nghĩ Nhà nước nên quy hoạch, tạo cơ chế hỗ trợ sản xuất trái cây theo mô hình HTX kiểu mới, nhằm sản xuất cùng một mặt hàng, theo cùng một quy trình.

Đối với doanh nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất theo hợp đồng với nông dân. Phấn đấu trong 10 năm tới sẽ có vài thương hiệu xuất khẩu trái cây Việt Nam có uy tín trên thế giới. Theo tôi, không nên khuyến khích nhiều doanh nghiệp cùng xuất khẩu một mặt hàng, vì như vậy sẽ dễ dẫn tới cạnh tranh lẫn nhau, giảm giá xuất… Nên theo mô hình xây dựng một công ty đủ mạnh để lo xuất khẩu 1 hoặc 2 loại trái cây đặc sản thôi, nhưng phải làm bài bản từ tổ chức sản xuất đến thu mua, đóng gói, xuất khẩu… giống như các công ty ở New Zealand. Trước mắt, nên bắt đầu từ những công ty xuất khẩu thanh long, xoài cát, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm… được vậy thì tới đây bức tranh xuất khẩu trái cây sẽ phát triển mạnh hơn, nông dân sẽ giàu lên từ chính những vườn cây đặc sản của mình.

Trong chuỗi liên kết “4 nhà” của trái cây thì Nhà nước nên giữ vai trò nhạc trưởng tích cực hơn để hình thành vùng chuyên canh lớn, từ đó đưa trái cây vào siêu thị, đẩy mạnh xuất khẩu... Nếu thiếu vai trò tích cực của Nhà nước thì khó phát triển vùng chuyên canh lớn và HTX trái cây kiểu mới cũng gặp khó…

NGỌC DÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục